Phiên họp thứ bảy Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ: Đẩy mạnh CCHC ở cả 6 lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
–Chiều 2/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ bảy đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND thành phố Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc.
Theo báo cáo, năm 2023, với phương châm “đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung.
Nổi bật như: các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng, sớm hạn tại bộ, ngành đạt 50,60% (tăng 3,8% so với năm 2022), tại địa phương đạt 90,75% (giảm 1,61% so với năm 2022); 100% bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% (tăng 1,4 lần so với năm 2022), địa phương đạt 37,4% (tăng 3,7 lần so với năm 2022)…
Tại phiên họp, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong việc triển khai các nội dung CCHC trong năm 2023, đồng thời, tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế và đề xuất phương hướng, giải pháp nhiệm vụ CCHC năm 2024.
Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ: tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, thực hiện công tác CCHC năm 2023, qua đó đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các nội dung.
Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ nào dứt điểm việc đó; đẩy mạnh CCHC lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể ở cả 6 lĩnh vực, trong đó, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp lý cho sản xuất kinh doanh; tập trung đơn giản hóa TTHC, tăng cường phân cấp, phân quyền, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; nâng cao năng lực thực thi, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ; giảm chi thường xuyên, chống tiêu cực tham nhũng trong sử dụng tài chính công và cơ cấu lại chi cho đầu tư phát triển tăng hơn ít nhất 2%/năm; đẩy mạnh chuyển đổi số, chính quyền số, công dân số, thực hiện hiệu quả Đề án 06…
Tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2023, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh, theo đó, các nhiệm vụ công tác CCHC đề ra đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ hồ sơ trả đúng và trước hạn đạt trên 99%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 92%; tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến đạt 74%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được duy trì hoạt động ổn định, đến thời điểm hiện tại đã triển khai cung cấp được 1.503 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 427 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.076 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 71,6%)… |
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()