Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực tư pháp và nông nghiệp
– Ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 2 nhóm vấn đề được cử tri quan tâm, thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Thu Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong buổi sáng, ĐBQH đã chất vấn các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, gồm: việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp…
Trong buổi chiều, đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, các ĐBQH tập trung chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…
Theo tổng hợp, tại phiên chất vấn đã có 107 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn; 54 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Theo đại biểu, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay có đến 80% các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài chưa có thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân, giải pháp để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, từ đó xác lập thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động trong thời gian tới.
Trả lời ý kiến của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Chúng ta đã có nhiều thương hiệu nông sản đứng chân trên thị trường thế giới. Để có được vị thế ấy là một quá trình mà các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu, giống như ngành hàng cà phê, lúa gạo. Hiện nay, bộ đang xây dựng thương hiệu cho ngành hàng sầu riêng và tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ĐBQH từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn này.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các bộ trưởng đã cam kết và với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các ĐBQH, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ý kiến ()