Phiên họp thứ 24, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Chiều 13-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư tổ chức Phiên họp thứ 24, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì
Thảo luận về Báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016 và dự kiến chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cho rằng, Báo cáo đã kiểm điểm, đánh giá đúng tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp được xác định trong các văn kiện của Đảng và chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc trung ương đã tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiện toàn tổ chức, bộ máy, bảo đảm cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; nâng cao chất lượng các hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ đã bám sát mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và thu được kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp còn một số hạn chế như đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong điều kiện hội nhập. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tuy được cải thiện nhưng vẫn còn một số sai sót, hạn chế, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.
Cho ý kiến về chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cơ bản đồng tình với đề xuất của Ban Chỉ đạo là tiếp tục thể chế hóa các chủ trương đã xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện cơ chế bảo đảm Tòa án thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, đúng đắn các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các luật được Quốc hội thông qua năm 2015. Cũng tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư đã góp ý kiến vào Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2016-2020 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, công tác cải cách tư pháp thời gian qua đã đạt được các kết quả nhất định và mang lại những thay đổi quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò cải cách tư pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp được chỉ đạo quyết liệt, tập trung, hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp được tăng cường, đổi mới.
Chủ tịch nước đề nghị, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp tại phiên họp, bổ sung hoàn thiện các báo cáo trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong thời gian tới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()