Phiên họp thứ 14 Ban chỉ đạo nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải năm 2024
- Ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban chỉ đạo), chủ trì phiên họp thứ 14 Ban chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 44 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.
Dự phiên họp tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành và nhà đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng.
Tại phiên họp lần thứ 13 ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 42 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); cấp nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ, 1 nhiệm vụ chưa đến hạn, chậm 2 nhiệm vụ.
Về tình hình thực hiện các dự án, triển khai phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng tiến độ chi tiết để đôn đốc.
Đến giữa tháng 9/2024, đa số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.
Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ liên quan cho phép sử dụng cát biển để làm vật liệu đắp nền các tuyến đường khu vực nước nhiễm mặn để tháo gỡ khó khăn về vật liệu đắp các dự án giao thông; hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc khai thác các mỏ cát có sự chồng lấn với quy hoạch về đường thủy tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Đại diện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long báo cáo khó khăn về kết quả khảo sát các mỏ cát không đảm bảo chất lượng phục vụ các dự án cao tốc. Đồng thời, các tỉnh đề xuất Chính phủ cho phép địa phương điều chỉnh quy hoạch các mỏ cát dự kiến khai thác giai đoạn 2026-2030 cho phép khai thác trong giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Lạng Sơn 162,1 ha đất giao thông để tỉnh đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án: cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bàn giao được 70% diện tích cho các dự án trong năm 2024. Về bàn giao mặt bằng, tính đến giữa tháng 9, tỉnh Lạng Sơn đã giải phóng và bàn giao mặt bằng 2 dự án được trên 30% diện tích, các nhà thầu không thiếu mặt bằng xây lắp các hạng mục theo kế hoạch.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại phiên họp.
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh cơn bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng cho nền kinh tế, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhất là các dự án quan trọng quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đồng chí yêu cầu: các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, rà soát lại toàn bộ tình hình thực hiện các dự án, khắc phục mọi khó khăn, thích ứng với điều kiện thời tiết bất thường để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, thực hiện thắng lợi phong trào thi đua "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc". Các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2025; phối hợp với các chủ đầu tư xử lý mỏ vật liệu phục vụ các dự án.
Đồng thời, các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới để sớm đủ điều kiện thực hiện khởi công thêm 1.400 km đường cao tốc trong thời gian tới. Các bộ, ngành địa phương chủ động xem xét đưa cát biển sử dụng cho các công trình, dự án để giảm áp lực về vật liệu tại các dự án quan trọng, trọng điểm; đẩy nhanh di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Các nhà thầu tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy nhanh xây lắp, chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết bất thường để có phương án sản xuất phù hợp; thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, máy móc thiết bị.
Các bộ, ngành và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục bám sát thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế; đẩy nhanh tiến độ thẩm định để thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải.
Ý kiến ()