Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần chỉ rõ đối tượng giám sát và trách nhiệm thuộc về ai
Ngày 18-9, tại phiên họp thứ 11 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, được nhiều đại biểu QH quan tâm trong thời gian vừa qua và nhiều cử tri nêu lên trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu QH.Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hằng năm số đơn thư KNTC về đất đai chiếm gần 70%. Trong thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ...
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, được nhiều đại biểu QH quan tâm trong thời gian vừa qua và nhiều cử tri nêu lên trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu QH.
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, từ năm 2003 đến năm 2010, trung bình hằng năm số đơn thư KNTC về đất đai chiếm gần 70%. Trong thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc KNTC về đất đai tồn đọng, bức xúc kéo dài đạt tỷ lệ 66,7%.
Trong quản lý đất đai, nội dung KNTC đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung vào KNTC các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%); khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy, nguyên nhân làm phát sinh KNTC về đất đai có nhiều nhưng chủ yếu là do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai; những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính; sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức.
Thảo luận về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH nhận xét, đây là cuộc giám sát quan trọng, đáp ứng được đòi hỏi của tình hình hiện nay. Báo cáo đã nêu được thực trạng, mặt được và mặt còn hạn chế, tồn tại; nêu ra được một số nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cũng nêu ra nhiều bất cập mà báo cáo cần đạt được, như cần làm rõ đối tượng giám sát là ai, cơ quan nào? Ủy ban Thường vụ QH cũng đánh giá, kết quả giám sát đã cho thấy, tình hình KNTC về đất đai đang diễn ra rất nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân dân. Kết quả này cũng đã phản ánh nhiều sai sót trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng, báo cáo chưa làm rõ ai là cơ quan bị giám sát. Tại cuộc họp quan trọng này cũng không thấy đại diện cơ quan bị giám sát dự?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương không thống nhất giữa các tỉnh, thậm chí trong một tỉnh thì huyện này ban hành khác huyện kia. Trong báo cáo cũng chưa nói rõ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương có đúng quy định của pháp luật hay không?
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, số liệu khiếu nại, tố cáo đúng cho thấy, việc giải quyết của các cấp chính quyền là đáng lo ngại. Đây là nguyên nhân khiếu kiện đông người, kéo dài. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH, nguyên nhân KNTC là do giá đất chênh lệch nhau: Hai thửa ruộng liền nhau, giá đất phường quản lý cao hơn gấp năm lần giá đất xã quản lý. Do vậy, dân không chịu dẫn đến khiếu kiện. Cùng với đó, giá đất sau thu hồi giao cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư bất động sản tăng lên quá nhiều, thậm chí 100 lần. Quy định về tổ chức đền bù mỗi nơi mỗi khác, không thống nhất dẫn đến giá đền bù khác nhau và dẫn đến khiếu kiện.
Một nguyên nhân khác là công tác giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất không thực hiện được dẫn đến khiếu kiện. Công tác tuyên truyền pháp luật còn hạn chế, nhiều người dân không hiểu về pháp luật đất đai.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo chưa nêu được tồn tại trong việc ban hành quyết định hành chính, chưa chỉ ra được sai ở khâu nào, cấp nào? Thí dụ: Ở khâu đền bù, hay khâu cưỡng chế? Báo cáo cũng chưa nêu được việc xử lý người ban hành quyết định hành chính sai. Do vậy cần làm rõ, những quyết định sai đó đã được giải quyết như thế nào?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, thì đối tượng giám sát tối cao trước hết là Chính phủ, sau đó là các bộ, ngành liên quan khác. Báo cáo cần chỉ rõ mức độ, nguyên nhân KNTC, chỉ rõ các khâu có khiếu kiện, cấp nào sai nhiều, trách nhiệm thuộc về ai? Cán bộ, ngành nào, cấp nào? Như vậy báo cáo mới đạt được là giám sát chuyên đề.
Cũng trong ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo Nhandan
Ý kiến ()