Kết luận tại phiên họp, hai Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành đều ghi nhận sự cố gắng của Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ đã bám sát câu hỏi và trả lời sát thực các nội dung, thẳng thắn nhận trách nhiệm của mình. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước đánh giá nợ xấu và có giải pháp xử lý cụ thể, nhanh chóng chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực tài chính, điều hành chính sách tiền tệ, tạo điều kiện lãi suất cho vay các lĩnh vực, ngành ưu tiên. Đối với Tổng Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung xử lý các vụ tồn đọng, kéo dài; tăng cường công tác thanh tra, xử lý, kiên quyết thu hồi tài sản của nhà nước trong các vụ sai phạm...
LSO-Chiều ngày 21/8/2012, sáng ngày 22/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp trực tuyến chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Về phía đầu cầu Lạng Sơn có đồng chí Trần Thị Hoa Sinh, phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Thanh tra tỉnh, một số sở, ngành, ngân hàng thương mại dự họp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại điểm cầu Lạng Sơn
Tại phiên họp chiều ngày 21/8, các đại biểu đã đặt ra 38 câu hỏi chất vấn về việc xử lý nợ xấu và các giải pháp cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó, các ý kiến tập trung về tỷ lệ nợ xấu, biện pháp xử lý nợ xấu, vấn đề quản lý nợ xấu, xử lý những sai phạm trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, những giải pháp nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn đúng lãi suất quy định, trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước, hiệu quả của thực hiện hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức tín dụng… Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải trình về tình hình, nguyên nhân nợ xấu, đưa ra những giải pháp xử lý nợ xấu đang thực hiện như tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng, trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý nợ xấu, khuyến khích các ngân hàng mạnh mua lại nợ của các ngân hàng đang gặp khó khăn… Trong đó đặc biệt quan tâm việc điều chỉnh giảm lãi suất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực, ngành được ưu tiên.
Tại phiên họp sáng ngày 22/8, các đại biểu chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có 19 đại biểu trực tiếp đưa ra các câu hỏi về số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài nhưng chưa được xử lý thuộc trách nhiệm của ngành, cơ quan nào; nguyên nhân khiếu nại, tố cáo tăng… Những câu hỏi cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Tổng thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo… Cùng với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Tài nguyên môi trường và Tổng kiểm toán nhà nước đã tiếp thu, giải trình các ý kiến.
Kết luận tại phiên họp, hai Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành đều ghi nhận sự cố gắng của Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ đã bám sát câu hỏi và trả lời sát thực các nội dung, thẳng thắn nhận trách nhiệm của mình. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước đánh giá nợ xấu và có giải pháp xử lý cụ thể, nhanh chóng chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực tài chính, điều hành chính sách tiền tệ, tạo điều kiện lãi suất cho vay các lĩnh vực, ngành ưu tiên. Đối với Tổng Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tập trung xử lý các vụ tồn đọng, kéo dài; tăng cường công tác thanh tra, xử lý, kiên quyết thu hồi tài sản của nhà nước trong các vụ sai phạm…
Lâm Như
Ý kiến ()