Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Ðánh giá kết quả giám sát hoạt động khai thác khoáng sản
Ngày 15-8, tiếp tục Phiên họp thứ 10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành đánh giá kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Cùng dự, có các Phó Chủ tịch QH và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan.Theo báo cáo của Đoàn giám sát của QH, sau khi làm việc, khảo sát thực tế tại 13 tỉnh, thành phố; 58 khu vực khai thác mỏ; trên cơ sở xem xét báo cáo của 10 bộ, ngành có liên quan và báo cáo giám sát của 44 Đoàn đại biểu QH các địa phương, Đoàn giám sát của QH cho rằng, công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo và thực hiện, mang lại kết quả tích cực nhất định. Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước được quan tâm thực hiện, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài....
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của QH, sau khi làm việc, khảo sát thực tế tại 13 tỉnh, thành phố; 58 khu vực khai thác mỏ; trên cơ sở xem xét báo cáo của 10 bộ, ngành có liên quan và báo cáo giám sát của 44 Đoàn đại biểu QH các địa phương, Đoàn giám sát của QH cho rằng, công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo và thực hiện, mang lại kết quả tích cực nhất định. Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước được quan tâm thực hiện, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổ chức bộ máy, năng lực quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản từng bước được kiện toàn. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đã có nhiều cố gắng. Thực thi pháp luật về khoáng sản của nhiều doanh nghiệp về cơ bản nghiêm túc, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài từ những nước phát triển.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn nhiều hạn chế, như công tác lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản chưa đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; công tác điều tra địa chất, thăm dò, đánh giá trữ lượng chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều bất cập; việc quản lý ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và sử dụng quỹ còn nhiều hạn chế; công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cũng như việc lập, phê duyệt vùng cấm khai thác khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức. Công tác đầu tư cho việc chế biến sâu khoáng sản chưa được chú trọng; xuất khẩu khoáng sản chủ yếu vẫn còn ở dạng nguyên liệu thô, tổn thất tài nguyên khoáng sản còn rất lớn. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tổn thất khoáng sản và bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Do vậy, nạn khai thác không phép, khai thác tự do, nhất là đối với khai thác vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than… chưa được ngăn chặn hoặc ngăn chặn chưa triệt để. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ hủy hoại môi trường nghiêm trọng trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản diễn ra trên cả nước. Hiện nay, vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra đáng lo ngại. Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, hiện nay trên 90% số cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đa số thành viên Ủy ban TVQH tán thành với nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát. Ủy ban TVQH thống nhất đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Theo đó, đề nghị QH tăng cường chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 với quan điểm, chính sách nhất quán về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường phục vụ phát triển đất nước một cách bền vững. Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để trình Quốc hội và sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản từ thăm dò, khai thác, chế biến đến tiêu thụ khoáng sản. Chấn chỉnh công tác cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản phù hợp với Quy hoạch và chỉ cấp phép cho các trường hợp khai thác có gắn với chế biến sâu khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau khi cấp giấy phép. Những mỏ không đem lại hiệu quả tổng thể cho xã hội, cho quốc gia, kiên quyết đóng cửa. Những khoáng sản cần cho sử dụng trong nước và khoáng sản quý, hiếm cần cấm hoặc hạn chế xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của hai dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Theo Nhandan
Ý kiến ()