Phiên họp lần thứ nhất về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cơ cấu đại biểu Quốc hội; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…
Chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tổ chức Phiên họp lần thứ nhất. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta.
Sau gần 3 năm thi hành, về cơ bản, nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Trước yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội.
Đồng thời, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gồm 2 điều, trong đó Điều 1 tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định cụ thể số lượng cấp phó và Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sắp xếp, kiện toàn bộ máy giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cơ cấu đại biểu Quốc hội; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Quốc hội…
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách và cơ cấu đại biểu Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ: “tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp” mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra.
Ban soạn thảo cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu, xây dựng Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV phải xác định cụ thể tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ cấu của đại biểu Quốc hội, tránh trường hợp có quá nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, hành chính.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, khoản 2 Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.”
Luật Tổ chức Quốc hội chỉ quy định mức tối thiểu mà không quy định mức tối đa, do đó, tùy vào điều kiện, tình hình cụ thể, trong các Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội có thể xác định hợp lý tỷ lệ này theo hướng cao hơn mà không vướng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Do đó, Ban soạn thảo đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành và xác định những nội dung liên quan đến tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ cấu đại biểu Quốc hội tại các Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ.
Liên quan đến bộ máy giúp việc của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra nhiệm vụ “sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.”
Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội. Thực tế cho thấy, một số cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện đã hoạt động ổn định và hiệu quả từ hơn 15 năm nay nên cũng cần có sự ghi nhận vào Luật Tổ chức Quốc hội.
Ban soạn thảo cho rằng, để thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch, giao các cơ quan, đơn vị tham mưu, nghiên cứu, rà soát các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy giúp việc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Văn phòng Quốc hội đã lập Ban soạn thảo Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp.
Kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan như các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Thư ký…
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Đề án sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan trong Luật Tổ chức Quốc hội./.
Ý kiến ()