Sau nhiều dàn xếp và thỏa hiệp, với sự trung gian của Nhóm tiếp xúc quốc tế, đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống B.A-ki-nô đã tiến hành cuộc gặp bí mật kéo dài khoảng hai giờ với thủ lĩnh Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Mô-rô (MILF) Ê. Mu-rát tại ngoại ô Thủ đô Tô-ki-ô, Nhật Bản. Dự cuộc gặp còn có Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Tổng thống A-ki-nô M. Lê-ô-nen và Trưởng đoàn đàm phán của MILF M. I-cơ-ban. Hai bên đã thảo luận một loạt biện pháp hướng tới lộ trình hòa bình, đồng thời nhất trí tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo tại Ma-lai-xi-a. Tổng thống A-ki-nô cho rằng, cuộc gặp trên là một “sự kiện lịch sử” thắp lên hy vọng có thể đẩy nhanh việc đi đến một thỏa thuận hòa bình song phương. MILF là nhóm vũ trang Hồi giáo lớn nhất tại Phi-li-pin, với hơn 10.000 tay súng, tiến hành các hoạt động chống chính phủ từ những năm 1970, với mục tiêu thành lập một quốc gia độc lập áp dụng luật Hồi giáo tại đảo Min-đa-nao và các hòn đảo khác ở miền nam Phi-li-pin. Hoạt động của MILF trong hơn 40 năm qua đã khiến 120 nghìn người chết, hơn hai triệu người ở miền nam Phi-li-pin phải bỏ nhà đi lánh nạn. Năm 2001, Nhóm tiếp xúc quốc tế (gồm Nhật Bản, Anh, A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ) được thành lập nhằm trung gian hòa giải, hỗ trợ thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Chính phủ Phi-li-pin và MILF. Kể từ đó, nhiều cuộc gặp, tiếp xúc giữa các bên xung đột đã được dàn xếp nhưng các bên vẫn không thể đi đến một thỏa thuận hòa bình chi tiết do bất đồng quan điểm, nhất là việc phân chia tài sản ở khu vực giàu dầu mỏ ở Min-đa-nao. Từ tháng 8-2008, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Phi-li-pin với MILF bị ngưng trệ, bạo lực và xung đột đã cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường, khiến nền kinh tế vốn đã èo uột không thể vực dậy và đẩy tiến trình đàm phán hòa bình đi chệch hướng.
Nhậm chức vào tháng 6-2010, Tổng thống A-ki-nô cam kết trong nhiệm kỳ sáu năm công tác, ông sẽ ra tay diệt trừ tham nhũng và thúc đẩy cải cách kinh tế, đồng thời đẩy nhanh tiến trình đàm phán hòa bình với các lực lượng ly khai trong nước, trong đó có MILF. Chính phủ của Tổng thống A-ki-nô khẳng định, “hoàn toàn chân thành trong việc theo đuổi một nền hòa bình lâu dài ở Min-đa-nao”.
Trước thềm cuộc đàm phán hòa bình sắp dự kiến tổ chức tại Cu-a-la Lăm-pơ, thủ đô Ma-lai-xi-a vào ngày 22-8 tới, MILF đã dự thảo bản hiệp định hòa bình sơ bộ. Về khả năng đạt được bước đột phá trong cuộc hòa đàm này, Trưởng đoàn đàm phán của MILF M. I-cơ-ban nói rằng, hai bên có thể đi đến một thỏa thuận hòa bình chung chấm dứt bốn thập kỷ xung đột ở miền nam đất nước trong vòng hai năm tới. Ông tin tưởng, Tổng thống A-ki-nô có đủ sức mạnh chính trị để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Trưởng đoàn đàm phán chính phủ M. Lê-ô-nen nói rằng, Ma-ni-la sẵn sàng thảo luận về văn kiện do MILF soạn thảo. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về việc nhà cầm quyền có đáp ứng được yêu cầu về việc ngừng triển khai các hợp đồng khai thác dầu mỏ và khí đốt ở khu vực Min-đa-nao do MILF đưa ra hay không. Đây là một yêu cầu khá “rắn” của MILF đặt trên bàn nghị sự đàm phán, cần rất nhiều sự thỏa hiệp của cả hai bên mới có thể tìm được tiếng nói chung.
Các cuộc hòa đàm là một phần quan trọng của tiến trình hòa bình toàn diện của Chính phủ Phi-li-pin nhằm đạt được một giải pháp chính trị cuối cùng thông qua thương lượng cho cuộc xung đột vũ trang với các lực lượng ly khai ở nước này. Đầu năm nay, Chính phủ và lực lượng Mặt trận dân chủ quốc gia (NDF) đã nối lại cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 2004 tại Ô-xlô (Na Uy). NDF tiến hành chống chính phủ từ năm 1969 và hiện còn khoảng 5.000 thành viên tại các khu vực nông thôn nghèo ở Phi-li-pin. Cuộc thương lượng gặp nhiều khó khăn, thảo luận các vấn đề bức xúc hiện nay như cải cách kinh tế và xã hội, nhưng đã diễn ra với tinh thần thẳng thắn và thiện chí, tôn trọng lập trường của nhau. Hai bên ra tuyên bố chung cam kết ký một thỏa thuận hòa bình toàn diện trong vòng 18 tháng tới và tôn trọng lệnh ngừng bắn chung. Ngoài ra, với sự trung gian của Na Uy, Chính phủ Phi-li-pin còn tiếp tục tiến hành thương lượng với các đại diện của lực lượng Quân đội nhân dân mới (NPA), trong đó tập trung thảo luận một loạt vấn đề về cải cách kinh tế và chính trị, nhằm chấm dứt các hoạt động thù địch của NPA. Đây là một lực lượng hoạt động chống chính phủ từ năm 1987 với 26 nghìn tay súng, nay còn khoảng 5.000 tay súng.
Theo các nhà quan sát, mặc dù quyết tâm chính trị của nhà cầm quyền Ma-ni-la là mạnh mẽ, nhưng để bảo đảm một nền hòa bình cho khu vực miền nam bất ổn, từng có thời kỳ triền miên chìm trong cảnh bất an với các vụ bắt cóc, giết hại dân thường, cướp phá… do các lực lượng ly khai gây ra, hẳn sẽ là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Ý kiến ()