Phí cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế là 3 triệu đồng/giấy phép
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 177/2016/TT-BTCquy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên; lệ phí cấp phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam.
Mức thu phí, lệ phí được quy định như sau: Phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): 3.000.000 đồng/giấy phép.
Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): 650.000 đồng/thẻ.
Lệ phí cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam: Cấp mới 3.000.000 đồng/giấy phép; Cấp đổi, cấp lại, cấp gia hạn 1.500.000 đồng/giấy phép.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại) là 200.000 đồng/giấy.
Về quản lý và sử dụng phí, Thông tư nêu rõ, đối với phí thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế: Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được để lại tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí như sau: Tổng cục Du lịch được để lại 60% tổng số tiền phí thu được; trích chuyển 30% tổng số tiền phí thu được cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Du lịch và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Đối với phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch: Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, được để lại tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ thẩm định, thu phí; như sau: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Du lịch được để lại 50% tổng số tiền phí thu được; trích chuyển 40% tổng số tiền phí thu được cho Tổng cục Du lịch và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Ý kiến ()