Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan
Quyết định số 1546/QĐ-TTg, ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Quyết định số 1546/QĐ-TTg, ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2020 hình thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu đến pigment và titan xốp; đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment; xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxycgloride. Đến năm 2030 phát triển ngành công nghiệp titan ổn định và bền vững với Trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận; tập trung và ưu tiên phát triển các sản phẩm pigment.
Quyết định nêu rõ, đến năm 2015, hoàn thành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ titan, đảm bảo trữ lượng tin cậy cho việc đầu tư các dự án khai thác, chế biến titan; duy trì sản xuất ở quy mô phù hợp khả năng tiêu thụ thực tế; xây dựng và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến xỉ titan, rutin nhân tạo tại 4 vùng quy hoạch; nghiên cứu công nghệ và chuẩn bị đầu tư các dự án sản xuất titan xốp, titan kim loại tại tỉnh Bình Thuận, sản xuất pigment tại Bình Định và Bình Thuận; chuẩn bị đầu tư tổ hợp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn tại Bình Thuận.
Đến giai đoạn 2016 – 2020, hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan, phát triển khu vực Bình Thuận thành Trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.
Giai đoạn 2021 – 2030 phát triển ổn định và bền vững ngành công nghiệp titan, hoàn thành việc xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về quy hoạch phát triển, quyết định nêu rõ, trong kỳ quy hoạch, dự kiến uy động khoảng 150 triệu tấn khoáng vật nặng, trữ lượng và tài nguyên còn lại (khoảng 500 triệu tấn) đưa vào dự trữ quốc gia.
Về nguồn vốn đầu tư, tổng nhu cầu ước tính cho cả giai đoạn quy hoạch khoảng 43.956 tỷ đồng, trong đó vốn cho công tác thăm dò khoảng 1.373 tỷ đồng, vốn cho khai thác, chế biến khoảng 40.634 tỷ đồng, vốn cho cơ sở hạ tầng khoảng 1.948 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ nguồn vốn tự thu xếp của doanh nghiệp, vốn vay thương mại trong và ngoài nước, vốn huy động qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp và cơ chế chính sách để thực hiện Quy hoạch này.
Quyết định số 1546/QĐ-TTgcó hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg, ngày 13/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ./
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()