Theo Quy hoạch, tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh, các thị trấn. Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4, về phía bắc, đến khu vực các huyện Mê Linh, Đông Anh; phía đông, đến khu vực huyện Gia Lâm và quận Long Biên. Đây là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha. Đến năm 2030, dân số đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha.
Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua bãi Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây – Cổ Loa.
Năm đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ… Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 700 nghìn người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3 – 1,4 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha. Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện có, như các thị trấn Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới.
Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực quận Ba Đình. Một số cơ quan trung ương được di dời trụ sở làm việc đến khu vực Mễ Trì và tây Hồ Tây.
Về định hướng phát triển nhà ở, đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25 m2 sàn sử dụng/người. Quy hoạch nêu rõ: phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên. Xây dựng mới 3.500 đến 4.500 ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Chúc Sơn. Di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô; dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu – đào tạo – khám, chữa bệnh chất lượng cao. Nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành…
Tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, như: xe buýt nhanh, đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng. Đồng thời, xây mới tám cầu và hầm qua sông Hồng, ba cầu qua sông Đuống, hai cầu qua sông Đà…
Ý kiến ()