Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Theo Quyết định, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng; có tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Textile and Garment Group (VINATEX); trụ sở chính đặt tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam sau cổ phần hóa có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Tập đoàn, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời thừa kế các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Ngành Dệt may Việt Nam đang từng bước tận dụng thời cơ |
Cũng theo Quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tập đoàn là Bộ Công thương. Bộ trưởng Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần.
Bộ Công thương có trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục xử lý những tồn tại về tài chính liên quan đến giá trị doanh nghiệp, công bố thông tin về doanh nghiệp, công bố thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa, thực hiện chuyển Tập đoàn Dệt may Việt Nam thành công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam sau khi bán cổ phần lần đầu, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bổ sung vào giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ – Tập đoàn Dệt may Việt Nam theo quy định; cử người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tập đoàn… Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho đến khi bàn giao toàn bộ tài sản, tiền vốn, lao động, đất đai cho Tập đoàn.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()