Phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia về tôm nước lợ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có Quyết định số 4184/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Tôm nước lợ - gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng”.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Tôm nước lợ – gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng” thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ có khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Cụ thể, đến năm 2020, thúc đẩy tạo vùng nuôi tôm sú hữu cơ Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm sú hữu cơ đạt trên 1.000 tấn/năm; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp tập trung ở một số tỉnh trọng điểm, sản lượng tôm thẻ chân trắng an toàn thực phẩm đạt trên 7.000 tấn/vùng/năm. Góp phần chuyển dịch nghề sản xuất tôm nước lợ nước ta theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập quốc tế; đồng thời làm chủ được quy trình công nghệ gia hóa, chọn giống và sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao tương đương thế giới. Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp (năng suất ổn định từ 35-40 tấn/ha/vụ), sản phẩm đạt tiêu chuẩn tôm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh một số bệnh nguy hiểm phải công bố dịch của Việt Nam và quốc tế.
Nội dung chủ yếu của Đề án khung thực hiện nghiên cứu xây dựng quy trình chọn giống, sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao (nâng cao sức sinh sản, sạch, kháng bệnh thường gặp, sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao). Nghiên cứu và phát triển xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm giống; ứng dụng công nghệ và sản xuất trên 5.000 cặp tôm sú bố mẹ và trên 10.000 cặp tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao.
Bên cạnh đó, nghiên cứu thiết kế hệ thống công trình phục vụ nuôi tôm sú hữu cơ phù hợp hệ thống canh tác tại địa phương; nghiên cứu các giải pháp nâng cao tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng tôm sú hữu cơ. Song song với đó, nghiên cứu biến động và dự báo xu thế phát triển và thị hiếu tiêu dùng tôm nước lợ của một số thị trường quan trọng; xây dựng hệ thống thông tin thị trường tôm nước lợ quốc gia có gắn kết với thị trường tôm nước lợ quốc tế.
Dự kiến, sản phẩm của Đề án sẽ sản xuất được 5.000 cặp tôm sú bố mẹ và 10.000 cặp tôm thẻ chân trắng chất lượng cao. Về thức ăn, sản xuất 1-2 loại thức ăn ương nuôi tôm bố mẹ và 1-2 loại thức ăn tôm giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng làm tăng tỷ lệ đẻ và tỷ lệ sống trên 10%; 1-2 loại thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp; 2-3 chế phẩm sinh học dùng trong xử lý cải tạo môi trường và phòng trị một số bệnh thường gặp trên tôm sú hữu cơ và tôm thẻ chân trắng công nghiệp.
Tăng cường được hệ thống nghiên cứu về giống tôm nước lợ và năng lực khoa học công nghệ của ít nhất 5 doanh nghiệp. Hình thành chuỗi liên kết ngành hàng tôm sú hữu cơ và tôm thẻ chân trắng an toàn thực phẩm hiệu quả, bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án khung theo các quy định hiện hành./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()