Phê bình, kiểm điểm địa phương chưa quyết liệt trong sắp xếp đơn vị hành chính
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tháng 9/2024 phải sắp xếp xong đơn vị hành chính nhưng đến nay mới có 16/53 thực hiện, đạt 30,1%, chưa đáp ứng yêu cầu.
Sáng 28/9, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh, thành phố gồm Bắc Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương này.
Giảm 87 đơn vị hành chính cấp xã
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 186 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 99 đơn vị hành chính cấp xã mới của 13 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, 13 tỉnh, thành phố không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 87 đơn vị hành chính cấp xã.
Có 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Vĩnh Long không có đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù đề nghị không sắp xếp. 6 tỉnh: Bắc Giang, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang đề nghị không sắp xếp đối với 3 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Tân Phú Đông thuộc tỉnh Tiền Giang và huyện Đắc Pơ thuộc tỉnh Gia Lai) và 67 đơn vị hành chính cấp xã do có các yếu tố đặc thù. Chính phủ thống nhất với đề nghị của các địa phương, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố sau sắp xếp đều cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của loại đơn vị hành chính tương ứng.
Có 60/99 đơn vị hành chính cấp xã mới đạt đủ tiêu chuẩn của loại đơn vị hành chính theo quy định; 28/99 đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số đạt trên 100% tiêu chuẩn, diện tích tự nhiên đạt trên 70% tiêu chuẩn hoặc quy mô dân số đạt trên 300% tiêu chuẩn và diện tích tự nhiên trên 30% tiêu chuẩn; có 11/99 đơn vị hành chính cấp xã thuộc trường hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với các đơn vị hành chính chưa đạt đủ tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, tại các Đề án, Chính phủ đã giải trình rõ lý do không thể sắp xếp, nhập thêm với đơn vị hành chính cùng cấp liền kề khác.
Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 13 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc).
Tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh có sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không có cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện dôi dư (do số lượng đơn vị hành chính cấp huyện không thay đổi).
Tổng số cán bộ, công chức,viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 1.935 người.
Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên theo đúng quy định.
Tổng số trụ sở dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 148 trụ sở. UBND 13 tỉnh, thành phố đã có phương án giải quyết số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư.
Không để người dân kêu lãng phí tài sản, tiền của nhà nước
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, các Đề án Chính phủ trình được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ thành phần hồ sơ, tài liệu và nội dung theo quy định.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh, thành phố như Chính phủ trình. Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
“Về cơ bản, các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể, qua đó đã đề xuất thực hiện sắp xếp đối với một số lượng lớn các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, kết hợp với việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính khác trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,” ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, các đơn vị hành chính được hình thành sau sắp xếp cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của đơn vị hành chính theo quy định và yêu cầu của việc sắp xếp; phần lớn các đơn vị hành chính chưa thực hiện sắp xếp đã có báo cáo, giải trình có tính thuyết phục.
Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Bắc Giang) là ngày 01/11/2024; riêng Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (do có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thay đổi, điều chỉnh) để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tháng 9/2024 phải sắp xếp xong đơn vị hành chính nhưng đến nay mới có 16/53 thực hiện, đạt 30,1%, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết.
“Tại sao có chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội mà triển khai chậm, phải chăng các địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong việc sắp xếp, chưa triển khai trọn vẹn chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội? Tại sao có những địa phương rất khó nhưng làm được?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Ông đề nghị phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết, những địa phương đó khó cái gì, khó như thế nào. Bộ trưởng Nội vụ phải tiếp tục khẩn trương rà soát, cố gắng hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 10/2024. Những địa phương hồ sơ thủ tục không đầy đủ, đang làm, chưa làm, phải phê bình, kiểm điểm một cách nghiêm túc.
Nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp là để cho bộ máy tinh gọn, mạnh lên; hoan nghênh Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật, các đơn vị có liên quan làm việc tích cực ngày đêm để xem xét hồ sơ, đề án, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội, Thường vụ Quốc hội luôn dành thời gian cho nhiệm vụ này.
Ông cũng nêu 3 vấn đề cần lưu ý về trụ sở cơ quan dôi dư, bộ máy, biên chế, với yêu cầu “phải làm kỹ,” không để một bộ phận cán bộ tâm tư, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thấu hiểu được ý nghĩa, yêu cầu, mục đích của việc sắp xếp; chú ý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để người dân kêu lãng phí tài sản, tiền của nhà nước; đảm bảo yêu cầu đi lại thuận tiện của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Thời gian tới, đẩy nhanh tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cần rà soát, thống kê cụ thể số lượng đơn vị thuộc diện sắp xếp mà Chính phủ, địa phương chưa đề nghị thực hiện giai đoạn 2023-2025, chú ý sắp xếp cho chất lượng, phải cương quyết, quyết tâm, đủ điều kiện mới trình, những nơi chưa đủ điều kiện, dứt khoát gác lại,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Ý kiến ()