Phật viện Đồng Dương đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương
Theo báo cáo tại buổi lễ, nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc) ghi rõ, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati.
Theo Văn bia Đồng Dương, tên của kinh đô mới là Indrapura và địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Năm 1901, L.Finol – một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Phật viện Đồng Dương, trong đó có một tượng đồng cao 108cm mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn Độ. Cho đến nay, khu di tích quan trọng vào loại bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa này đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Tuy vậy, những tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương đã thể hiện giá trị, hình thành nên một phong cách nghệ thuật nổi tiếng từ giữa thế kỷ IX đến cuối thế kỷ IX, được gọi là phong cách Đồng Dương được các bảo tàng thế giới, quốc gia lưu giữ, bảo vệ.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân huyện Thăng Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, Phật viện Đồng Dương là một Trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng lớn tới cả khu vực Đông Nam – Á đương đại. Đây là một di tích có giá trị đặc biệt, nên sau khi được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, huyện Thăng Bình cần phải có trách nhiệm quan tâm quản lý, bảo tồn một cách đặc biệt.
Ý kiến ()