Phạt tù các đối tượng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép
Liên tiếp trong những ngày cuối năm 2020, một số đối tượng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép đã bị Tòa án tuyên phạt mức án tù nghiêm khắc.
Ngày 4/1, theo thông tin của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), liên tiếp trong những ngày cuối năm 2020, một số đối tượng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép đã bị Tòa án tuyên phạt mức án tù nghiêm khắc.
Ngày 29/12, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nam (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) 8 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (ở huyện Lục Nam, Bắc Giang) 9 năm tù và bị cáo Dương Văn Phong (ở tỉnh Lạng Sơn) 10 năm tù theo quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự cho hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 204kg ngà voi bị phát hiện vào tháng 9/2019, đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vào tháng 7/2020.
Cùng ngày 29/12, bị cáo Đỗ Thanh Sơn (ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên phạt 12 năm 6 tháng tù, đồng thời phạt bổ sung 100 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự về hành vi vận chuyển trái phép gần 30kg sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam, được phát hiện tại sân bay Cần Thơ.
Ngày 21/12, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên phạt 12 tháng tù với đối tượng Nguyễn Thị Khuyên (sinh năm 1985, ở tỉnh Hà Giang) về hành vi vận chuyển trái phép 4 chi gấu ngựa.
Tháng 8/2020, đối tượng Khuyên đã bị Đội 2 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội bắt quả tang khi đang trên đường vận chuyển trái phép 4 chi gấu ngựa đi tiêu thụ.
Theo hồ sơ của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, đối tượng này thường xuyên quảng cáo, rao bán nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã từ hổ (cao, nanh, da), từ gấu (mật, chi), các loại trang sức từ ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê trên trang Facebook cá nhân của đối tượng.
Gấu ngựa được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất, được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP).
Hành vi vi phạm của đối tượng đã cấu thành tội phạm về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tối đa đối với cá nhân lên tới 5 năm tù hoặc 5 tỷ đồng./.
Ý kiến ()