Phát triển vùng rau xanh: Mở rộng sản xuất an toàn, nâng cao hiệu quả
LSO - Rau xanh là một trong những đặc sản của Xứ Lạng được du khách ưa chuộng. Diện tích sản xuất rau xanh tăng lên nhanh chóng, đến nay ở mức trên 6.000 ha, gần gấp đôi so với 8 năm trước đây. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ thì sản xuất rau an toàn là hướng đi quan trọng.
Khách hàng chọn mua sản phẩm rau an toàn tại cửa hàng của Hợp tác xã Nà Chuông
Cuối giờ sáng, cửa hàng bán rau an toàn nằm trên đường Nguyễn Du (đối diện khách sạn Đông Kinh) vẫn tấp nập người mua. Đây là một trong những điểm bán hàng của Hợp tác xã rau màu Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Chị Lê Hải, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: từ lâu gia đình đã tin tưởng và chọn cửa hàng là nơi cung cấp nguồn rau xanh cho bữa ăn hàng ngày của gia đình, thi thoảng còn mua để làm quà cho bạn bè ở các tỉnh xa.
Mặc dù mớ cải ngồng hay cân su hào nhỉnh hơn vài nghìn đồng so với các sạp rau khác, nhưng hàng vẫn bán rất chạy, nhiều lúc chỉ nửa buổi sáng đã phải lấy thêm hàng. Chị Hoa, chủ cửa hàng cho biết: ngày thường thì chủ yếu khách hàng ở các phường nội thành, ngày nghỉ lễ có khá đông khách du lịch, trung bình mỗi buổi sáng cửa hàng tiêu thụ trên 1 tạ rau xanh các loại. Sản phẩm ở đây được tin tưởng và ưa chuộng bởi lẽ Hợp tác xã Nà Chuông đã được Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nhận thấy, tiêu chí an toàn thực phẩm hiện nay là lựa chọn hàng đầu trong bữa ăn của các gia đình. Việc đầu tư sản xuất an toàn và có sự kiểm tra, giám sát, chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước là hướng đi đúng để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, để được công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi trình độ sản xuất của người nông dân phải cao, tổ chức sản xuất chặt chẽ và điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất tốt, không phải nơi nào cũng đáp ứng được điều đó.
Hiện nay, diện tích rau xanh cả năm trên địa bàn tỉnh ở mức trên 6.000 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2006, sản lượng trên 70,5 nghìn tấn. Trong đó vùng rau xanh trọng điểm đã được xác định trong quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu của tỉnh là 6 xã, phường của thành phố; 17 xã, thị trấn của huyện Lộc Bình và 16 xã, thị trấn của huyện Cao Lộc. Mục tiêu trước mắt đến năm 2015 là mở rộng diện tích vùng rau lên 3.220 ha, sản lượng đạt 47.632 tấn.Tuy nhiên, theo Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản, hiện nay mới chỉ có 5,7 ha tại thôn Nà Chuông, thành phố Lạng Sơn đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: đó chưa phải là chứng nhận đạt tiêu chuẩn Viet Gap, bởi tiêu chuẩn này còn cao hơn và đòi hỏi khắt khe hơn nhiều. Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau thực hiện đúng các quy trình để có thể cấp chứng nhận.
Trên thực tế, thực hành sản xuất rau an toàn đã được các cấp, ngành quan tâm và triển khai trong nhiều năm qua. Nhưng để một vùng được cấp giấy chứng nhận đòi hỏi phải có sự đầu tư theo chiều sâu, kiên trì trong nhiều năm và hình thành được tổ chức sản xuất chặt chẽ. Như ở thành phố, đề án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn ở Nà Chuông đã được xây dựng và triển khai từ năm 2005. Sau đó là sự đầu tư đồng bộ từ hệ thống tưới nước sạch, khoa học công nghệ… rồi vận động thành lập hợp tác xã, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Gần 10 năm đằng đẵng mới có thể hình thành vùng sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: nằm trong quy hoạch vùng rau của tỉnh, huyện cũng xác định phải phát triển theo hướng sản xuất an toàn, trước tiên là tập trung ở khu vực có truyền thống trồng rau như Tân Liên, Gia Cát. Hiện nay, huyện cũng đã vận động thành lập các tổ hợp tác trồng rau, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu vực này, đảm bảo đủ điều kiện có thể sản xuất rau an toàn theo đúng tiêu chuẩn. Cùng với Cao Lộc, từ năm 2010 đến nay, huyện Lộc Bình cũng bắt đầu triển khai các lớp tập huấn và xây dựng các mô hình về sản xuất rau an toàn và hiện nay đang có hướng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau.
Đặc sản rau xanh Xứ Lạng muốn nâng cao giá trị, muốn mở rộng thị trường hơn nữa, thậm chí để xuất khẩu như mục tiêu quy hoạch đã đề ra thì sản xuất an toàn theo quy trình là hướng đi tất yếu. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ của các cấp, ngành và đổi mới phương thức sản xuất của nhà nông.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()