Phát triển vùng quế: Tạo chuỗi liên kết, tăng thu nhập cho người dân
– Thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hình thành và phát triển vùng quế, hướng đến xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Anh Nguyễn Văn Võ, thôn Tân Tiến, xã Tân Hòa, huyện Bình Gia là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng quế. Anh Võ cho biết: Năm 2015, gia đình tôi đầu tư trồng khoảng 10 vạn cây quế với diện tích 15 ha. Sau 5 năm, tôi bán tỉa vụ đầu tiên, sản lượng thu được 3 tấn vỏ quế, giá trị đạt 120 triệu đồng. Số còn lại, tôi tiếp tục chăm sóc, bởi cây quế càng lâu năm, vỏ càng dày thì thu nhập càng cao. Trung bình 1 ha quế trồng 10 năm sẽ cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, năm 2017, gia đình tôi đầu tư làm vườn ươm cây quế phục vụ nhu cầu cây giống trong và ngoài huyện, trung bình một năm, tôi xuất bán khoảng 30 vạn cây con, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Người dân xã Tân Hòa, huyện Bình Gia chuẩn bị cây giống cho vụ trồng quế
Hiện nay, Bình Gia là một trong những huyện phát triển rừng quế lớn của tỉnh. Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Thời gian qua, để tạo điều kiện cho người dân phát triển quế có hiệu quả, phòng đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho bà con nông dân. Từ năm 2021 đến nay, phòng đã phối hợp tổ chức lồng ghép 12 lớp tập huấn. Đồng thời, định hướng người dân mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất tập trung và kêu gọi các danh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trung bình một năm, toàn huyện trồng mới trên 500 ha quế, hình thành vùng trồng quế tại các xã: Vĩnh Yên, Tân Hòa, Hưng Đạo, Thiện Long… với tổng diện tích trên 3.000 ha.
Đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đăng Sơn (Hà Nội) đã đến phối hợp với UBND huyện khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế. Đây là tín hiệu vui tạo liên kết tiêu thụ ổn định cho người dân tại huyện.
Không chỉ Bình Gia, hiện nay, các huyện: Tràng Định, Bắc Sơn cũng quan tâm, tuyên truyền người dân mở rộng trồng quế. Nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, có thể tận thu toàn bộ cả cây từ cành, lá, vỏ quế, đến thân gỗ, bên cạnh sự chủ động của các huyện, ngành chuyên môn của tỉnh cũng đã thực hiện các giải pháp phát triển cây quế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, tập huấn được cơ quan chuyên môn chú trọng thực hiện. Theo đó, mỗi một năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức khoảng 50 cuộc tuyên truyền, tập huấn lồng ghép về phát triển cây quế tại các huyện, thành phố. Qua đó, người dân nắm được quy trình lựa chọn cây giống, trồng, chăm sóc quế gắn với bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình trồng cây phân tán, từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cấp phát gần 717 nghìn cây giống quế cho người dân ở các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định để mở rộng diện tích.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã bước đầu hình thành vùng trồng quế tại các huyện: Bình Gia, Tràng Định, Bắc Sơn với tổng diện tích khoảng 9.100 ha (vượt hơn 1.000 ha so với mục tiêu phát triển cây quế giai đoạn 2021 – 2030 của tỉnh đề ra), sản lượng trung bình hằng năm đạt 900 tấn vỏ quế. Qua đó, tạo tiền đề để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ. Hiện trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế – hồi Việt Nam với người dân tại huyện Tràng Định với diện tích rừng gần 300 ha. Theo đó, công ty cung cấp cây giống, cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật chồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, để phát triển vùng quế bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân, chúng tôi tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT điều chỉnh kế hoạch tổng thể phát triển lâm nghiệp để chỉ tiêu trồng quế phù hợp với tình hình thực tế, quản lý chặt chẽ nguồn giống để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền, hỗ trợ thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, hơp tác xã, tổ hợp tác trồng quế và kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phầm từ quế.
Việc hình thành và phát triển vùng trồng quế không chỉ tạo điều kiện xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần vào phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()