Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm vịt quay Lạng Sơn
- Để nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo vùng cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm vịt quay Lạng Sơn, từ năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn đã triển khai mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đến thời điểm này, mô hình đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.
Những năm gần đây, gia đình chị Chu Thị Lan, thôn Nà Ván, xã Tri Phương, huyện Tràng Định đã chuyển sang chăn nuôi vịt thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi năm, gia đình chị nuôi 4 lứa, mỗi lứa từ 300 đến 400 con. Tuy nhiên, đầu ra không ổn định, giá vịt bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Tháng 6/2024, gia đình chị được tham gia mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm tạo nguồn nguyên liệu sản phẩm OCOP năm 2024 với quy mô 1.000 con/lứa. Khi tham gia mô hình, chị được hỗ trợ 70% con giống, thức ăn công nghiệp, men vi sinh xử lý chuồng trại và thuốc thú y, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học. Sau 60 ngày nuôi, gia đình chị đã xuất bán lứa vịt đầu tiên, mỗi con đạt trên 3,2 kg.
Chị Chu Thị Lan chia sẻ: Nhờ tham gia mô hình, chúng tôi đã biết cách chăm sóc đàn vịt vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa qua, tôi và cơ sở chế biến vịt quay Thu Hằng ở thị trấn Thất Khê đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên không lo về đầu ra. Lứa vịt vừa rồi tôi đã xuất bán hết, thu về khoảng 100 triệu đồng. Tôi đã mua thêm 1.000 con vịt con để chăn lứa mới, cố gắng chăm sóc đúng kỹ thuật để đàn vịt phát triển tốt, đảm bảo trọng lượng, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã ký kết hợp đồng.
Bà Nguyễn Thu Hằng, chủ cơ sở vịt quay Thu Hằng, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Bình quân mỗi ngày cơ sở xuất bán trên 100 con vịt quay, vào những ngày cuối tuần có thể lên tới 150 - 200 con/ngày. Khi huyện triển khai mô hình, cơ sở tôi đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân để có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, đồng thời đảm bảo các tiêu chí của sản phẩm vịt quay đạt tiêu chuẩn OCOP. Vừa qua, cơ sở đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm vịt thịt của 2 hộ dân tham gia mô hình.
Còn tại huyện Văn Quan, vào thời điểm này, gia đình anh Triệu Giang Hùng, thôn Khòn Lạn, xã Liên Hội đang vệ sinh lại chuồng trại để chuẩn bị nuôi thêm lứa vịt mới.
Anh Hùng chia sẻ: Từ năm 2023, gia đình tôi tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn công nghiệp, thuốc thú y, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học. Sau một thời gian chăm sóc, đàn vịt của tôi phát triển khỏe mạnh, khi xuất chuồng đạt trọng lượng trung bình khoảng 3,3 kg/con. Gia đình tôi ký hợp đồng bao tiêu nên vịt thương phẩm có đầu ra ổn định. Trừ các chi phí đầu tư, từ khi thực hiện mô hình đến nay, tôi đã có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản phẩm vịt quay đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP tại 5 xã thuộc các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định với 8 hộ dân tham gia.
Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ vịt giống super M, thức ăn chăn nuôi và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt. Đàn vịt nuôi khoảng 60 ngày, trọng lượng bình quân đạt 3,2 đến 3,5 kg/con thì đến kỳ xuất bán.
Ông Trần Văn Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để triển khai mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP, từ năm 2023 đến nay, trung tâm đã mở 5 lớp tập huấn, hội thảo cho các hộ dân trong và ngoài mô hình tham gia về các quy trình chăn nuôi vịt thịt theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật làm đệm lót sinh học, cách xây dựng, bố trí chuồng trại, quản lý, chăm sóc đàn vịt; tạo lập nhật ký sản xuất... để ứng dụng trong quá trình chăn nuôi. Cùng với đó, chúng tôi tìm kiếm thị trường, tổ chức hợp tác với các cơ sở, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Thông qua mô hình, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, tạo được vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn cho sản phẩm vịt quay Lạng Sơn.
Từ năm 2023 đến nay, các hộ chăn nuôi vịt đã ký kết được 5 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vịt thịt. Hiện các hộ dân tham gia mô hình đang tiếp tục nhân rộng đàn, phát triển quy mô chăn nuôi, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm OCOP cho địa phương cũng như các tỉnh lân cận.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định, đây cũng là năm thứ hai huyện Tràng Định triển khai mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm tạo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Năm 2023, huyện chỉ có 2 hộ dân ở xã Đại Đồng tham gia; năm 2024, huyện đã nhân rộng thêm mô hình tại 2 xã Tri Phương, Hùng Việt với 4 hộ dân tham gia. Đến nay, các hộ đã chủ động chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn xuất chuồng, có 4 hộ ký kết được các hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Những năm gần đây, sản phẩm vịt quay Lạng Sơn đã có thương hiệu, trở thành sản phẩm đặc sản, đang từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP sẽ góp phần quan trọng trong quá trình để vịt quay Lạng Sơn nói riêng và sản phẩm OCOP của Lạng Sơn nói chung tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày cao của thị trường.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có 5 cơ sở chế biến sản phẩm vịt quay đạt OCOP 3 sao gồm: Cơ sở vịt quay Hương Nga, Cơ sở vịt quay Thịnh Minh (thành phố Lạng Sơn); Cơ sở vịt quay Thu Hằng (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định); Cơ sở vịt quay Thắng Chuyền (thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia); Cơ sở vịt quay Nguyên Xinh (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc).
|
Ý kiến ()