Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực cho nông sản Việt
Ngày 5-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) với chủ đề “Phát triển vùng nhiên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam”. Đây là một sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đối tác quốc tế để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác và tăng cường điều phối các nguồn lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Ba thách thức lớn của ngành nông nghiệp
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam tuy đã đạt được thành tựu to lớn nhưng không thể chủ quan vì ngành còn phải đối mặt với ba thách thức. Đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tác động của biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp tốt nhưng chưa tốt về hiệu quả vì sức sản xuất tập hợp từ quy mô nhỏ đem lại. Do đó, hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao. Bên cạnh đó, ngành mới chỉ có một số mặt hàng đi đầu có chế biến sâu như tôm, cá tra, bò sữa… tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết các sản phẩm vẫn có chuỗi giá trị còn rất ngắn.
Mặc dù, nông sản Việt Nam đã hội nhập vào được 180 thị trường với hơn 40 tỷ USD mỗi năm, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng chưa bền vững về thời gian và quy mô hàng hóa và nguy cơ rủi ro còn cao. Việt Nam mới làm tốt mở thị trường còn việc tổ chức khai thác thị trường, bảo vệ, phát triển thị trường còn nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cũng cho rằng, nông sản Việt Nam còn những quan ngại liên quan đến chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp. Lợi nhuận dành cho các nông hộ nhỏ còn thấp, sự kết hợp chưa chắc chắn giữa chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; tổn thất sau thu hoạch còn đáng kể, hay vấn đề về đổi mới sáng tạo còn hạn chế.
Cùng với xu hướng sụt giảm giá của hàng loạt nông sản chính, tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đánh đổi rất lớn về môi trường, phá rừng, mất đa dạng sinh học. Cùng với đó là nhiều thất bại về thị trường, khiếm khuyết về hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại.
“Bức tranh này cho thấy khả năng cạnh tranh về giá trị, khối lượng không đoán được. Việt Nam phải nỗ lực để cải thiện khả năng cạnh tranh của mình dựa vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất các mặt hàng giá trị cao”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xuất khẩu tập trung
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng không còn cách nào khác phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học, tổ chức lại sản xuất.
Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), trong chuỗi giá trị vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng này sẽ phát triển hạ tầng cho nông nghiệp.
Tái cơ cấu nông nghiệp đang chuyển mạnh từ sản xuất lúa sang đối tượng đa dạng, trong đó hạ tầng cũng cần chuyển đổi từ sản xuất lúa sang mục tiêu phục vụ đa dạng. Việc cần đầu tư từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến áp dụng khoa học công nghệ… nhưng quan trọng nhất vẫn phải bắt đầu từ tổ chức sản xuất, đó là chính là phát triển hợp tác xã.
Ký kết thỏa thuận thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Chia sẻ cách xây dựng vùng nguyên liệu của mình, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho biết, xác định khâu thế mạnh của mình là từ thu hoạch đến thị trường, đơn vị đã chọn các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa để thành lập Trung tâm tâm tiến theo hướng tiếp cận chuỗi.
Doanh nghiệp được lựa chọn là ở vùng lõi nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí rủi ro trong sản phẩm, đồng thời giám sát sâu hơn nguyên liệu đầu vào. Mô hình tổ chức này đã giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.
UNIDO đã xây dựng được chuỗi xoài ở đồng bằng sông Cửu Long và rau ở miền núi phía bắc. Kết quả rất đáng kích lệ khi mà một trong hai doanh nghiệp đầu tiên được xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ là từ mô hình này. Bên cạnh đó, cùng với kỹ thuật trong thu hoạch, sản phẩm xoài của đơn vị đã tăng được thời gian bảo quản từ 12 lên 30 ngày. Khi đầu ra tốt, doanh nghiệp được chọn cũng đã kết nối được vùng nguyên liệu lên gấp ba lần, từ trên 300 ha lên gần 1.000 ha. UNIDO hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều chuỗi trên nhiều sản phẩm hơn và các chuỗi có quy mô rộng hơn.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UNIDO đã ký kết thỏa thuận thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()