Phát triển văn hóa đọc trong học sinh
LSO-Những năm gần đây, các trường học trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã chủ động đầu tư vào thư viện trường học và nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em hình thành thói quen đọc sách.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám đọc sách tại thư viện xanh vào giờ ra chơi
Say mê bắt đầu từ thư viện trường học
Mỗi ngày đọc 3 đến 4 cuốn sách là mục tiêu mà em Hoàng Thu Lành (lớp 5A1, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Hoàng Đồng) tự đặt ra cho mình. Em Lành chia sẻ: Trước đây, ngoài giờ học em thường xem ti vi, điện thoại. Đầu năm học 2018 – 2019, nhà trường xây dựng thư viện xanh, em bắt đầu đọc sách. Em thấy kiến thức trong sách rất hay và bổ ích, đọc sách thì không bị nhức mắt như xem ti vi, điện thoại. Vì thế cứ giờ ra chơi, đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều em lại tranh thủ đọc sách. Từ sách em có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để học tốt hơn.
Không riêng em Lành mà hơn 100 học sinh khác trong nhà trường cũng rất thích thú với việc đọc sách hằng ngày. Để các em có thêm nhiều sách đọc, nhà trường thường xuyên luân chuyển giữa thư viện nhà trường, thư viện các lớp và thư viện xanh để bổ sung thêm sách mới.
Cô Phạm Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Học sinh nhà trường phần lớn ở xã Hoàng Đồng. Phụ huynh thường đi làm xa và cũng không có điều kiện để huy động xã hội hóa. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn quyết tâm trích quỹ và huy động công lao động của các thầy cô để xây dựng thư viện xanh cho các em đến đọc sách. Đồng thời đầu tư thêm máy chiếu ở phòng đọc để tăng hứng thú cho học sinh mỗi ngày đến trường.
Không riêng Trường Tiểu học Lê Văn Tám mà việc phát triển văn hóa đọc thông qua đầu tư phát triển thư viện nhà trường được đánh giá như một cách làm hiệu quả, một hình thức giáo dục linh hoạt đổi mới và có thể nhân rộng trong các trường học trên địa bàn thành phố hiện nay.
Được biết, để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lạng Sơn đã chỉ đạo 100% trường học trên địa bàn thường xuyên cập nhật, bổ sung sách, truyện và đa dạng hóa các loại hình thư viện. Đến nay, 18/18 trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã xây dựng được thư viện (3 loại hình: thư viện nhà trường, thư viện xanh và thư viện lớp) có tổng số hơn 27.150 đầu sách với khoảng 190.050 cuốn sách. Nội dung các ấn phẩm sách, báo, truyện được trưng bày tại thư viện nhà trường được lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong đó tập trung vào các chủ đề như: thơ ca, truyện ngắn, sách kỹ năng sống, truyện dân gian, truyện khoa học, các tạp chí: Măng non, Thiếu niên, Mặt trời nhỏ…
Nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa
Được tổ chức vào đầu tháng 4/2019, Ngày hội thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên đoàn – Chúng em với sách và văn hóa đọc năm học 2018 – 2019 của Trường Tiểu học Vĩnh Trại đã thu hút hơn 1.600 học sinh ở tất cả các khối lớp tham gia. Trong chương trình ngày hội, các em đã được vận dụng kiến thức tích lũy từ việc đọc sách để thể hiện hiểu biết về văn hóa 3 miền thông qua trưng bày các sản vật và xếp sách nghệ thuật các biểu tượng của 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Cô Mã Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Trại cho biết: Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước cách thể hiện của học sinh, từ trưng bày đến thuyết minh về các loại đặc sản vùng miền. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm số lượng sách cho thư viện và nghiên cứu tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa cho học sinh để các em thêm yêu sách và dành thời gian đọc sách.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm học, các trường học trên địa bàn đã bổ sung thêm 1.200 đầu sách vào thư viện và tổ chức 18 hoạt động ngoại khóa thu hút hơn 9.400 học sinh tham gia để các em “Học mà chơi, chơi mà học”, tăng thêm hứng thú trong học tập và đọc sách. Trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố có hơn 120.000 lượt học sinh tiểu học, THCS đọc sách tại các thư viện nhà trường (tăng 700 lượt so với cùng kỳ 2018).
Bà Nguyễn Lệ Thùy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục chỉ đạo các nhà trường đổi mới cách thức và hoạt động thư viện trường học, huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện điện tử; tạo điều kiện để nhân viên thư viện được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; xây dựng kế hoạch phối hợp, sáng tạo các hình thức hoạt động để phát huy vai trò, nhiệm vụ của thư viện, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh hình thành thói quen đọc, nghiên cứu sách báo với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học.
Thực tế trên cho thấy, việc phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với học sinh, giúp các em hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử gây hại sức khỏe và mạng xã hội thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý học sinh. Thiết nghĩ, để phát triển văn hóa đọc trong học sinh thì cùng với sự nỗ lực của nhà trường, các bậc phụ huynh cần dành thời gian đọc sách, kể chuyện cùng con, giới thiệu định hướng những cuốn sách hay để khơi gợi hứng thú, “dẫn dụ” trẻ đến với sách, khơi gợi ở các em niềm say mê đọc sách.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()