Phát triển văn hóa đọc trong học đường
LSO-Theo thống kê, các đơn vị, trường học trên toàn tỉnh cơ bản đều được bố trí các phòng đọc, thư viện trường. Tuy vậy, hiện nay, thói quen đọc sách đang mất dần trong học sinh, do vậy, việc phát triển văn hóa đọc để làm phong phú vốn kiến thức cho học sinh là một việc làm rất cần thiết.
Các em học sinh Trường Tiểu học xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan đọc sách báo sau buổi học |
Hiện nay, hầu hết các trường học đều được đầu tư hệ thống phòng đọc, thư viện tương đối đồng bộ. Số lượng sách, báo, sách tham khảo đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung, đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và mất dần thói quen đọc sách trong giáo viên và học sinh đang là thực trạng báo động. Thực tế hiện nay việc bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông đã lấn át văn hóa đọc của học sinh. Không ít giáo viên, học sinh chỉ học và đọc khi các kỳ thi tới gần, học để đối phó, học để thi. Bởi vậy, để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hằng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong trường học là hết sức quan trọng. Ý thức được điều đó, nhiều nhà trường đã có những phương pháp tổ chức thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh, trong đó đặc biệt được chú trọng là việc phát triển và đổi mới hệ thống thư viện học đường.
Cô giáo Trần Thị Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Để hình thành thói quen đọc sách trong học sinh, nhà trường đã tích cực tuyên truyền về tác dụng của sách đối với học tập và cuộc sống; hướng dẫn các em các kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho học sinh cách chọn lựa các đầu sách hay. “Những cuốn sách hay sẽ mang đến cho mỗi học sinh về kỹ năng sống cùng những kiến thức liên môn hết sức đa dạng và phong phú, mở ra cho các em những thế giới muôn màu, hướng các em biết yêu cái đẹp, biết cảm thụ cái đẹp”. Cùng đó, tăng cường trang bị các đầu sách mới cho thư viện, tổ chức các hoạt động “ngày hội sách”; xây dựng tủ sách học đường ở các lớp; đồng thời khuyến khích các em tìm hiểu, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.… Từ đó, thúc đẩy phong trào tự học, hình thành thói quen đọc của học sinh.
Thực tế, để phát huy văn hóa đọc cho học sinh, việc đọc phải được thực hiện từ cấp học mầm non, trong các buổi học, giáo viên dành thời gian nhất định đọc sách, kể chuyện cho trẻ; khuyến khích phụ huynh thường xuyên đọc sách, kể chuyện cho con khi ở nhà. Cùng đó, đối với các bậc học cao hơn, nhà trường cần đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trong trường học; hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tra cứu thông tin và sử dụng thư viện cho giáo viên và học sinh; tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như: “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”…, tạo sự lan tỏa về văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, bên cạnh việc đọc sách giấy in truyền thống thì vấn đề trang bị và giúp học sinh tiếp cận với tri thức thông qua mạng Internet cũng hết sức quan trọng. Không chỉ cập nhật các kiến thức thông qua các bài giảng điện tử, các thầy cô còn hướng dẫn học sinh biết tìm hiểu, khai thác các thông tin hữu ích trên các trang mạng đáng tin cậy và phù hợp với lứa tuổi của các em; giúp các em tìm hiểu những nguồn tri thức bổ ích phục vụ cho học tập và cuộc sống.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hay: Phát triển văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh trong trường học là một việc làm rất quan trọng, có tác động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học. Chính vì thế, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh thường xuyên chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy – học, mỗi giáo viên phải xây dựng và hình thành thói quen đọc cho học sinh; chủ động giảm thời lượng dạy học, yêu cầu học sinh phải đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo để bổ sung, tích lũy kiến thức… Từ đó, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()