LSO-Địa danh Bắc Sơn vốn có từ xa xưa, nơi đây, được xác định là một trong những cái nôi của loài người, thuộc nền “Văn hoá Bắc Sơn”. Hơn nữa trên địa bàn huyện được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú đa dạng. Nhiều địa danh, di tích cách mạng, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Những địa danh như đèo Tam Canh, Đồn Mỏ Nhài, đình Nông Lục, di tích Khuổi Nọi đã được ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Những làng cổ Pác Mỏ xã Hữu Vĩnh, văn hóa vật thể như Đình Nông Lục; kiến trúc nhà sàn của người Tày… vẫn tồn tại và giữ nguyên giá trị văn hóa từ nhiều thế hệ để lại. Đối với văn hóa phi vật thể như: Lễ hội lồng tồng xã Quỳnh Sơn, xã Vạn Thủy, cộng với kho tàng văn hóa dân gian như: hát then, múa chầu, hát sli, hát lượn, hát ví… Những bộ trang phục áo chàm của dân tộc Tày và dân tộc Nùng, những hoa văn tiết tấu sặc sỡ của dân tộc Dao vẫn được giữ gìn đã tô thêm những nét đẹp văn hoá của nhân dân các dân tộc. Hiện nay, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn đang lưu giữ, trưng bày 655 tài liệu, hiện vật. Tiếp nối với Bắc Sơn là vùng phụ cận với những địa danh lịch sử kháng chiến như Kéo Coong, di tích khảo cổ hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Bình Gia); khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng), Khuôn viên lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri (Văn Quan)… Những lợi thế, tiềm năng to lớn đã gợi mở cho huyện Bắc Sơn có thể phát triển mạnh du lịch cộng đồng.
|
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Bắc Sơn |
Hướng về năm du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng tuyến du lịch cộng đồng tại xã Quỳnh Sơn và các vùng phụ cận. Đây là một trong những hướng đi mới mở ra cho huyện Bắc Sơn khai thác thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. Bằng những việc làm cụ thể như: tổ chức triển khai chương trình tập huấn du lịch cộng đồng cho 40 thành viên là cán bộ xã và các hộ gia đình thuộc xã Quỳnh Sơn tham gia Chương trình phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức Hội thảo chuyên đề du lịch văn hoá, lịch sử huyện Bắc Sơn và các vùng phụ cận tại xã Quỳnh Sơn thu hút gần 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tham dự; chương trình xúc tiến du lịch hỗ trợ phát triển cơ sở lưu trú tham quan nhà sàn truyền thống, nơi nghỉ dưỡng cho khách tại 5 hộ gia đình xã Quỳnh Sơn. Thực hiện kế hoạch xúc tiến du lịch của tỉnh, trong tháng 9 năm 2010, xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn đã tiến hành tổ chức xây dựng mô hình Làng văn hoá du lịch cộng đồng do Trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin huyện tổ chức. Đây là một mô hình mới mở ra cho huyện Bắc Sơn khai thác thế mạnh phát triển ngành du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển theo hướng bền vững, huy động cộng đồng xã hội tham gia đắc lực vào công tác du lịch của địa phương. Hiện nay, tại làng văn hoá Quỳnh Sơn đã đáp ứng được 30-50 khách nghỉ lưu trú. Tuyến du lịch văn hoá lịch sử cộng đồng đã đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan nghiên cứu trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9/2010.
Hoạt động tuyến du lịch văn hoá, lịch sử cộng đồng tại xã Quỳnh Sơn và các vùng phụ cận ra đời nó là “viên gạch“ đặt nền móng mở ra cho một tương lai. Tuy vậy, hoạt động du lịch cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, cần được huyện và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Trước mắt huyện cần xây dựng phương hướng phát triển du lịch cộng đồng. Đối với xã Quỳnh Sơn là điểm đầu tiên thực hiện chương trình, xã cần quan tâm kiện toàn Ban quản lý du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó xây dựng các quy ước cho hoạt động du lịch, tiến tới xây dựng quy chế hoạt động du lịch cộng đồng; tổ chức tốt biệc bảo đảm trật tự trị an cho khách tham quan; bảo đảm vệ sinh cảnh quan môi trường theo hướng xanh, sạch, đẹp. Tổ chức tốt các loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng và hưởng thụ của du khách khi đến thăm quan tuyến du lịch cộng đồng. Hy vọng rằng tuyến du lịch văn hoá lịch sử Bắc Sơn- vùng phụ cận nói chung và tuyến du lịch cộng đồng Làng văn hoá Quỳnh Sơn nói riêng sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi đặt chân đến mảnh đất giầu bản sắc văn hoá này.
Ý kiến ()