Phát triển trung tâm học tập cộng đồng tại khu vực biên giới, hải đảo
Một buổi sinh hoạt tại trung tâm học tập cộng đồng. |
Trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng chương trình đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) khu vực biên giới, hải đảo. Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Hồng Sơn: Với hơn một nghìn xã nằm giáp biên giới Cam-pu-chia, Lào và Trung Quốc, các TTHTCĐ vùng biên sẽ được triển khai toàn tuyến nhằm nâng cao dân trí cho người dân. Trong đó, ba TTHTCĐ dọc biên giới đang được xây dựng thí điểm tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; xã Yên Khoái, huyện Lục Bình, tỉnh Lạng Sơn và xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đáng chú ý, nhiều năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng Bộ đội biên phòng sát cánh cùng ngành giáo dục, tích cực hỗ trợ cả về vật chất và công sức cho công tác giáo dục vùng biên giới, hải đảo. Phải nói rằng, vai trò của Bộ đội biên phòng đối với công tác xóa mù chữ cho đồng bào vùng biên giới, hải đảo là rất lớn. Nhờ có sự tham gia tích cực của Bộ đội biên phòng, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới được nâng cao, mang lại những hiệu quả tích cực về mặt xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn. Bộ đội biên phòng đã phối hợp ngành giáo dục tuyên truyền, vận động người mù chữ, tái mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ, các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học trong các TTHTCĐ.
Chương trình xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới của Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng dần trình độ dân trí cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ an ninh biên giới. Tuy nhiên, do điểm xuất phát của Hà Tĩnh thấp nên tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của đồng bào trên biên giới so với đồng bằng vẫn còn chênh lệch lớn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm hơn 30%… Trước tình hình trên, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh khảo sát, đánh giá tình hình tại chín xã biên giới và chọn xã Sơn Kim 1 để làm điểm TTHTCĐ. Đại tá Nguyễn Quốc Việt, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cho biết: Chúng tôi đã chọn địa bàn xã Sơn Kim 1 vì đây là một trong năm xã của huyện Hương Sơn xây dựng điểm nông thôn mới. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp và chăn nuôi. Do điều kiện đất đai sản xuất ít, lại bị thu hồi làm khu công nghiệp Đại Kim nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tệ nạn ma túy vẫn còn nhiều phức tạp.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, đồng thời là Giám đốc TTHTCĐ Trần Văn Hải: Sau bốn năm đi vào hoạt động, trung tâm đã góp phần rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức cho nhân dân, người dân được phổ biến, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, biết cách ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập. TTHTCĐ không chỉ có vai trò giúp người dân được học tập thường xuyên mà còn trang bị kiến thức nhiều mặt, góp phần tạo ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở vật chất của TTHTCĐ của xã chưa có mà chủ yếu phối hợp chính quyền địa phương mượn trụ sở, nhà văn hóa thôn để làm nơi học tập, giảng dạy cho nhân dân. Đây là vấn đề quan trọng cần sớm được giải quyết để phát huy hiệu quả của TTHTCĐ tại địa phương.
Ý kiến ()