Phát triển trang trại nông nghiệp công nghệ cao
Trồng tía tô xanh trong nhà lưới xuất khẩu tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Dabaco (Bắc Ninh)
Với những lợi thế lớn về tự nhiên, những năm qua mô hình kinh tế trang trại đã phát triển với tốc độ rất nhanh ở tỉnh Bắc Ninh, từ đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn.
Người lao động có thêm việc làm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 248 trang trại với tổng diện tích gần 10.000 ha, tăng 3,9 lần so với năm 2011, tập trung chủ yếu ở các huyện: Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du. Trong đó, 198 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có diện tích từ 2,1 ha trở lên, giá trị hàng hóa đạt từ 700 triệu đồng/năm trở lên).
Chúng tôi về trang trại Huyền Sâm, tại thôn Tử Nê, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du. Đây là mô hình đầu tư chuồng trại nuôi lợn thương phẩm, rộng 1 ha, hoạt động từ cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, chuyên chăn nuôi lợn thịt cho Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam. Là vệ tinh được bao tiêu sản phẩm cho nên các quy định trong quá trình nuôi lợn được kiểm soát nghiêm ngặt. Trung bình mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng bốn lứa với tổng sản lượng khoảng 400 tấn, tạo việc làm thường xuyên cho bảy lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ lựa chọn hướng đi đúng, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn đã quan sát, học hỏi mô hình của trang trại Huyền Sâm để có phương hướng phù hợp trong phát triển kinh tế trang trại.
Huyền Sâm chỉ là một trong hàng trăm trang trại đang hoạt động hiệu quả tại tỉnh Bắc Ninh. Theo thống kê, đến nay, 248 trang trại đã tạo việc làm cho khoảng 3.600 lao động, mức lương từ ba triệu đồng/người/tháng trở lên, thu nhập bình quân của một trang trại đạt hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Những hiệu quả trong phát triển kinh tế trang trại đã trực tiếp góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với tiến trình phân công lao động nông thôn. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã trên cơ sở sự liên kết các trang trại qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Điển hình là một số hợp tác xã như: Măng tây xanh Thái Bảo, Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (Gia Bình); VAC Xuân Hòa (Quế Võ)…
Hỗ trợ phát triển trang trại
Điểm nổi bật trong phát triển trang trại ở Bắc Ninh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp dần được phổ biến. Hiện, toàn tỉnh có 148 trang trại VAC ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng số trang trại. Để hỗ trợ phát triển trang trại, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho biết: Lãnh đạo địa phương đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện, cấp – thoát nước, xử lý chất thải, cải tạo đồng ruộng) cho các hộ VAC và các chủ trang trại thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới cùng địa phương; hỗ trợ kinh phí cho các trang trại và hộ VAC xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua chương trình “mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”.
Chúng tôi về thôn Quán Tranh, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành tìm hiểu trang trại công nghệ cao DELCO do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng DELCO triển khai xây dựng từ cuối năm 2016 với diện tích gần 6 ha, kinh phí đầu tư khoảng hơn 60 tỷ đồng, bao gồm: 2 ha mặt nước nuôi thả cá; hai dây chuyền chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô 53.000 con; 7.300 m2 nhà kính trồng dưa lưới Nhật Bản cho năng suất 48 tấn/năm; 1.000 m2 nhà kính trồng các loại rau theo phương pháp thủy canh… Mô hình trang trại thông minh DELCO được xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ cao, tiên tiến nhất hiện nay của I-xra-en và Nhật Bản. Tất cả hệ thống nuôi trồng tại đây đều được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, hạn chế đến mức thấp nhất sức lao động của con người, đồng thời bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép. Toàn bộ các sản phẩm do trang trại sản xuất đều có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình.
Tuy nhiên vướng mắc nhất hiện nay của DELCO là đất đai. Để mở rộng đầu tư, ổn định sản xuất, mới đây đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Thuận Thành cấp quyền sử dụng đất 50 năm. Trước mắt, các cấp có thẩm quyền hỗ trợ giải phóng mặt bằng 5 ha cạnh trang trại có sẵn để mở rộng nhà màng trồng dưa lưới 2 ha và trồng rau 3 ha trên đất bằng công nghệ của Nhật Bản và ứng dụng công nghệ cao trong nước; đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo quy định.
Không chỉ DELCO, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế trang trại ở Bắc Ninh cũng muốn cơ quan chức năng đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới, tạo điều kiện thuận lợi cho trang trại phát triển sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, canh tác ổn định bền vững, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()