Phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng
LSO – Sự tăng trưởng về quy mô và chất lượng giáo dục- đào tạo của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn Lạng Sơn là sự hiện thực hóa chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo trong nhiều năm qua.
Giờ học vi tính của học sinh Trường phổ thông DTNT trung học cơ sở huyện Cao Lộc
Trao đổi với chúng tôi về công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013, thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh nói rằng, công tác ôn tập của nhà trường không chỉ nhằm mục đích có được tỷ lệ tốt nghiệp cao, mà hướng tới có nhiều học sinh tốt nghiệp loại giỏi. Thật vậy, nhìn vào kết quả tốt nghiệp THPT và tỷ lệ thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ trong cả nước trong những năm qua, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh luôn nằm trong tốp dẫn đầu và nổi lên như một điểm sáng về chất lượng đại trà và mũi nhọn trong khối các trường THPT toàn tỉnh.
Thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế xã hội ĐBKK, toàn tỉnh duy trì 11 trường Phổ thông DTNT, trong đó có 1 trường THPT và 10 trường THCS. Năm học 2012-2013 đã có 103 lớp với 2.558 học sinh, tăng 3 lớp với 96 học sinh so với năm học trước. Ngoài ra, trong năm học vừa qua, Lạng Sơn đã có 46 học sinh được tuyển, cử vào các trường phổ thông DTNT trực thuộc Bộ GD&ĐT như Trường Vùng cao Việt Bắc, trường Hữu Nghị T78, hệ THPT nội trú Đại học Lâm Nghiệp. Công tác tuyển sinh đối với loại hình trường Phổ thông DTNT trong và ngoài tỉnh theo phương thức xét tuyển đối với cấp THCS và vừa thi, vừa xét tuyển đối với cấp THPT, đảm bảo công bằng, khách quan đúng quy chế. Tăng cường chỉ đạo các trường khắc phục khó khăn về CSVC để tăng số lượng tuyển sinh, tạo thêm cơ hội cho nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số được vào học. Được xây dựng khang trang, đồng bộ và ngày càng hiện đại, trong đó trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đạt chuẩn Quốc gia, các nhà trường đã có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Kết quả xếp loại văn hóa và hạnh kiểm năm học 2012-2013 cho thấy, tỷ lệ học lực loại giỏi chiếm 23,5%, loại khá là 60,9%; xếp loại đạo đức tốt đạt 90,47%- cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của toàn tỉnh. Đặc biệt, tỷ lệ thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ của trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã đạt trên 60%- chỉ đứng sau trường THPT chuyên Chu Văn An. Là một loại hình mang tính đặc thù, các trường Phổ thông DTNT thực hiện công việc “dạy chữ, dạy người” nhằm tạo nguồn “đầu ra” tốt và ổn định cho cấp học sau và cung cấp nguồn để đào tạo đội ngũ cán bộ cho vùng cao, vùng ĐBKK. Vì vậy, ngoài việc dạy văn hóa, các trường quan tâm bồi dưỡng đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống để các em nhanh hòa nhập và bước đầu hình thành kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, hoạt động nhóm, làm việc tập thể… Tất cả những kỹ năng đó sẽ trở thành “hành trang” cho các em vững vàng bước vào đời. Thầy giáo Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tâm sự: “Cho các em đạt thành tích cao trong học tập của từng tuần, từng tháng ra quét dọn khuôn viên tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hưởng ứng thiết thực phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vừa là tạo cho các em kỹ năng hoạt động xã hội- điều vô cùng cần thiết đối với thanh niên người dân tộc thiểu số”. Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh như chế độ học bổng, trang cấp đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, thiết bị văn hóa văn nghệ, TDTT, thưởng thành tích, chế độ ngày lễ, ngày tết…các trường dành thời gian thích hợp cho các em tăng gia, để không những góp phần tăng thêm vào chế độ ăn hàng ngày, mà còn góp phần vào công tác giáo dục lao động cho học sinh. Quy mô phát triển và chất lượng của hệ thống trường Phổ thông DTNT trên địa bàn Lạng Sơn đã được khẳng định qua sự đóng góp của loại hình này trong công tác giáo dục dân tộc nói riêng và sự phát triển của vùng dân tộc, vùng ĐBKK nói chung. Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách giáo dục dân tộc của Đảng và nhà nước, ngày 13/9/2013, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 90 về thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015”. Theo kế hoạch này, đến năm 2015 duy trì 11 trường phổ thông DTNT với quy mô 134 lớp với 4.020 học sinh (gấp 1,3 lần về số lớp và 1,56 lần số học sinh so với hiện nay); xây dựng tất cả 11 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó giai đoạn 2013-2014 phấn đấu có 5 trường đạt chuẩn là Cao Lộc, Đình Lập, Văn Quan, Bắc Sơn và Bình Gia, giai đoạn 2014-2015 phấn đấu đạt chuẩn cho các trường còn lại.
Theo bà Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chất lượng của loại hình phổ thông DTNT là sự tổng hợp của chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và các điều kiện nuôi, dạy của các nhà trường. Vì vậy, song song với đầu tư, hoàn thiện CSVC, ngành sẽ quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ để chất lượng giáo dục của loại hình này được nâng cao từng bước vững chắc.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()