Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam
Tình hình suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng tới các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong lúc này, thương mại điện tử (TMĐT) mới thật sự được nhìn nhận như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp.Khi đối mặt với suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp phải đau đầu với bài toán cắt giảm chi phí sản xuất, tiếp thị, nhưng ngược lại, vẫn phải tìm cách mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng. Hai vấn đề này đối lập với nhau. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp đang cần tìm những công cụ kinh doanh mới để bảo đảm chi phí thấp nhưng hiệu quả cao. Chính vì vậy, TMĐT đang trở thành một công cụ hữu hiệu, một giải pháp giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn trên. Trong thời đại hiện nay, để thiết lập một nền tảng nhằm thúc đẩy khả năng sinh lợi và tăng trưởng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên thế giới ngày càng quan tâm tới việc ứng dụng TMĐT. Có thể nói, TMĐT và công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong chiến lược kinh...
Khi đối mặt với suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp phải đau đầu với bài toán cắt giảm chi phí sản xuất, tiếp thị, nhưng ngược lại, vẫn phải tìm cách mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng. Hai vấn đề này đối lập với nhau. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp đang cần tìm những công cụ kinh doanh mới để bảo đảm chi phí thấp nhưng hiệu quả cao. Chính vì vậy, TMĐT đang trở thành một công cụ hữu hiệu, một giải pháp giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn trên.
Trong thời đại hiện nay, để thiết lập một nền tảng nhằm thúc đẩy khả năng sinh lợi và tăng trưởng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên thế giới ngày càng quan tâm tới việc ứng dụng TMĐT. Có thể nói, TMĐT và công nghệ thông tin đóng vai trò then chốt trong chiến lược kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong kỷ nguyên in-tơ-nét ngày nay. Không một doanh nghiệp nào dám bỏ qua yếu tố này nếu muốn tồn tại và tăng trưởng. Vấn đề là, làm thế nào để ứng dụng TMĐT và công nghệ thông tin một cách có hiệu quả, phù hợp mô hình và chiến lược của công ty mình.
TMĐT sẽ giúp hoạt động chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp được sắp xếp một cách đồng bộ trong tầm nhìn chiến lược chung của doanh nghiệp. Nó kết nối các bộ phận, cho phép giao tiếp, cộng tác, chia sẻ trong doanh nghiệp và tạo ra những giá trị lớn hơn từ việc đầu tư ứng dụng cho công nghệ thông tin. Ứng dụng TMĐT cho phép các nhà quản lý bao quát tất cả các bộ phận chức năng, cách doanh nghiệp tổ chức hoạt động, các quy trình và mối quan hệ giữa các quy trình.
Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2012 của Bộ Công thương thì thấy mức độ và hiệu quả của TMĐT đối với doanh nghiệp đã rõ ràng và xu hướng ứng dụng ngày càng tăng. Có gần 90% số doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập hệ thống nội bộ thông qua TMĐT để nhận đơn hàng từ khách hàng. 45% số doanh nghiệp đã xây dựng trang mạng riêng, 15% doanh nghiệp tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT. Hầu như tất cả doanh nghiệp đã có máy tính với tỷ lệ kết nối in-tơ-nét gần 100%. Có thể thấy, trong những năm tới, mức độ ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. TMĐT đã đi vào thực chất, giúp doanh nghiệp có doanh thu cụ thể.
Ngày 12-7-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015. Kế hoạch tổng thể giai đoạn 5 năm lần thứ hai tập trung vào việc triển khai một số nhóm giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tổng quát “đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến và đạt mức tiên tiến trong khu vực ASEAN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước”.
Nếu 2006 – 2010 là giai đoạn nâng cao nhận thức cho toàn xã hội thì giai đoạn 2011 – 2015, TMĐT sẽ đi vào đời sống của từng người dân và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. TMĐT đã trở thành một công cụ quan trọng, không thể thiếu đối với doanh nghiệp và ngày càng trở nên phổ biến với từng cá nhân, nhất là giới trẻ.
Có thể nói, không nhiều lĩnh vực được các địa phương hưởng ứng như TMĐT. Triển khai Quyết định 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính tới tháng 12-2012, đã có 60 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phát triển TMĐT của địa phương giai đoạn 2011 – 2015. Điều này có thể thấy sự quan tâm của địa phương đối với TMĐT là rất lớn. Đặc biệt đối với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa thì ý nghĩa và lợi ích của TMĐT càng thể hiện rõ nét. TMĐT có thể giúp xóa bỏ khoảng cách về không gian và thời gian, giúp giảm chi phí, qua đó nâng cao rõ rệt sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, phần 6: Định hướng phát triển hạ tầng thương mại nêu rõ: Đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, nâng cấp các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại hiện có tại các thành phố lớn. Xây dựng các trung tâm hội chợ triển lãm thương mại quy mô vừa tại các tỉnh, thành phố có vị trí trung tâm vùng.
TRONG những năm qua, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng. Thanh toán điện tử có nhiều tiến bộ lớn từ năm 2007, phương thức mua bán trực tuyến qua các trang thông tin điện tử được phổ cập trong xã hội. Một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ đã dựa vào TMĐT để phát triển kênh bán hàng chủ đạo như các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn. v.v. Nhiều doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử để bán hàng hóa hoặc xây dựng trang thông tin điện tử ở dạng sàn giao dịch cho các doanh nghiệp khác hoặc cá nhân tham gia bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên sàn của mình. Những hoạt động của các doanh nghiệp này đã tạo ra một thị trường mua bán hàng hóa trên in-tơ-nét khá sôi động.
Do đặc thù của hoạt động mua bán trên in-tơ-nét là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà giao dịch trên không gian ảo, nên một số quy tắc trong giao dịch truyền thống không còn phù hợp hoặc thiếu quy định điều chỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh qua mạng của các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển khá tự phát và chưa có sự giám sát chặt của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó phát sinh nhiều vấn đề như quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế…
Một hiện tượng nữa đang nổi lên là sự xuất hiện ngày càng nhiều những phương thức kinh doanh mới, dựa trên nền tảng và tận dụng các tính năng riêng biệt của phương tiện điện tử, thí dụ như nhóm mua qua mạng, sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến, đấu giá trực tuyến,… Một số hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp cũng đang phát triển mạnh với đối tượng kinh doanh không phải là hàng hóa mà là dịch vụ trên một số trang thông tin điện tử, tuy nhiên các văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu quy định để xử lý. Các hoạt động thương mại sử dụng phương tiện điện tử khác ngoài in-tơ-nét như điện thoại và thiết bị di động, truyền hình cũng bắt đầu phát triển và sẽ có tác động lớn đến xã hội trong tương lai không xa.
Để TMĐT phát triển thì các yếu tố hạ tầng cần được xây dựng một cách đồng bộ từ pháp lý, viễn thông, in-tơ-nét, thanh toán, nguồn nhân lực. TMĐT là lĩnh vực mới nên vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở giai đoạn đầu phát triển là rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chính sách, chiến lược phát triển phù hợp thực trạng và năng lực ứng dụng của các đối tượng. Đặc biệt, cần xây dựng những chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ứng dụng TMĐT.
Hoạt động TMĐT ở Việt Nam hiện khá đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất và có tác động xã hội rộng lớn. Trong khi đó, năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật chưa theo kịp với nhu cầu của thực tiễn phát triển. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này, cần có hệ thống văn bản pháp luật với hiệu lực đủ mạnh và tầm bao quát lớn, đặt nền tảng cho việc xây dựng cơ chế cũng như tổ chức triển khai các hoạt động thực thi pháp luật và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT thời gian tới.
Bộ Công thương dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định mới về TMĐT vào tháng 12 này. Nghị định mới này sẽ mở đường và định vị lại thị trường TMĐT cũng như cách thức quản lý và phát triển lĩnh vực này. Trong năm 2013, dự kiến Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành các chính sách, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.
Với những giải pháp đột phá và quyết liệt, hy vọng rằng TMĐT ở Việt Nam sẽ phát triển đúng với quy mô và tiềm năng của thị trường. TMĐT sẽ thật sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp người tiêu dùng có thêm một phương thức mua sắm hiện đại và hiệu quả. TMĐT sẽ là công cụ đắc lực để đưa đất nước ta phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo Nhandan
Ý kiến ()