Phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 16/9, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Chính sách thương mại điện tử 2015”.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý từ các đơn vị quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), các công ty tư vấn luật và các tổ chức liên quan khác về 2 dự thảo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 và Thông tư quy định về Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng di động.
Tại Hội thảo, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, Bộ Công Thương cho biết, sau 5 năm triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015, TMĐT Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trong các hoạt động kinh tế – xã hội, góp phần tích cực cho sự phát triển nhanh, bền vững của doanh nghiệp và đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng của Kế hoạch tổng thể trong việc định hướng phát triển TMĐT, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2016 – 2020.
Toàn cảnh buổi Hội thảo “Chính sách thương mại điện tử 2015”. Ảnh: TH |
Theo kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT năm 2014, các doanh nghiệp hiện nay không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, mà còn thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình. Đây là những mô hình hoạt động mới, phức tạp, cần có cơ chế cũng như công cụ quản lý mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về các hoạt động TMĐT trên nền tảng thiết bị di động, vì vậy chưa có cơ sở để xác định mô hình hoạt động cụ thể, cũng như chưa xác định được phương hướng quản lý phù hợp đối với các mô hình hoạt động này. Do đó, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Thông tư quy định về Quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng di động nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT.
Nhận định về xu hướng phát triển thương mại điện tử thế giới đến 2020, ông Trần Hữu Linh cho rằng, trên thế giới, từ nay đến 2020, thương mại điện tử trên nền tảng di động sẽ là xu thế chủ đạo. Theo dự báo của nhiều tổ chức nghiên cứu, đến 2020, mua sắm qua di động sẽ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ trên toàn cầu. Do đó, vấn đề quản lý thương mại điện tử trên nền tảng di động hiện đang đặt ra không ít thách thức cho cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, ông Linh nhận định, thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển, hoạt động thương mại điện tử cũng xuất hiện nhiều hành vi gian lận, giả mạo, lừa đảo, các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, quảng cáo sai sự thật, chất lượng hàng hóa không bảo đảm, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng… Chính vì thế, việc tăng cường quản lý thương mại điện tử trên nền tảng di động nói riêng và mua bán trực tuyến nói chung là rất cần thiết.
Một xu hướng nữa của TMĐT khi hình thức kinh doanh này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, đó là mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận cho TMĐT sẽ trở thành nhân tố cốt lõi trong phát triển bán hàng trực tuyến. Theo khảo sát tại Trung Quốc, một trong những thị trường bán lẻ trực tuyến phát triển nhất thế giới hiện nay, 25% người tiêu dùng trực tuyến không hài lòng về dịch vụ vận chuyển. Do vậy, xu hướng quan trọng trong 5 năm tới là xây dựng một hệ thống vận chuyển chuyên nghiệp cho TMĐT.
Trên cơ sở xác định xu hướng của TMĐT trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020. Quan điểm của Kế hoạch lần này xác định TMĐT sẽ là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin; là phương thức giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, TMĐT là lĩnh vực có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao, tốc độ phát triển nhanh. Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai, nhà nước, đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường TMĐT phát triển. Chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT. Đây cũng là một trong những vấn đề lưu tâm hàng đầu khi đơn vị quản lý hoạch định đưa vào chính sách.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()