Phát triển thương mại: Chuyển biến mạnh từ Nghị quyết
LSO- Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 41 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mạnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ từ 10.350 tỷ đồng năm 2012 tăng lên 14.000 tỷ đồng năm 2014 và 9 tháng năm 2015 đạt 9.032 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Thúc đẩy thị trường nội địa
Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết 41 được các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện, từ đó thương mại, dịch vụ trong giai đoạn 2012 – 2015 từng bước phát triển toàn diện. Đặc biệt tỉnh đã phát triển thương mại, dịch vụ gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là lượng hàng hóa được cung ứng đa dạng, phong phú với giá cả bình ổn. Lượng hàng Việt Nam thiết yếu được cung ứng đầy đủ, phong phú đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong đó, các chợ huyện, xã liên tục được đầu tư nâng cấp và xây mới. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 83 chợ, trong đó có 62 chợ nông thôn. Một số chợ được đầu tư lớn đã đưa vào hoạt động như: chợ Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng; chợ Trung tâm huyện Đình Lập… và đã có 19 chợ đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố đã có nhiều trung tâm thương mại được đầu tư hoạt động hiệu quả như: Siêu thị Thành Đô, Siêu thị Lasvilla, Siêu thị Đồng Tiến đã hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động… Việc đầu tư xây dựng hệ thống chợ, trung tâm thương mại từ tỉnh đến các huyện đã đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương cũng như đảm bảo nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân.
Khách hàng mua sắm tại Phiên chợ Hàng Việt huyện Đình Lập
Bên cạnh các hệ thống hạ tầng thương mại lớn thì hoạt động bán lẻ cá thể hộ gia đình là một yếu tố quan trọng để phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn. Theo thống kê của ngành công thương, hiện nay tỉnh có mạng lưới các cửa hàng đại lý bán lẻ khá phát triển với hơn 15.000 điểm, đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư, nhất là những khu vực xã có chợ hoặc chưa có chợ. Ông Lê Xuân Lô, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của kinh tế cá thể, hộ gia đình. Số lượng cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua từng năm. Điều này cho thấy đời sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn đã dần được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Phát triển thương mại biên giới
Cùng với sự phát triển của thương mại nội địa, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng. Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia kinh doanh xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu từ 2,088 tỷ USD năm 2012 tăng lên 3,4 tỷ USD năm 2014 và 9 tháng năm 2015 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2014 (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2015 đạt 3 tỷ USD).
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ năm 2012, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền các huyện biên giới, cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp trong quản lý và điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, khu vực các cửa khẩu được đầu tư đồng bộ từ hệ thống giao thông, nhà công vụ… Cùng với đó, công tác đối ngoại luôn được quan tâm chỉ đạo nhất là những hoạt động phối hợp với chính quyền Quảng Tây, Chính phủ thị Bằng Tường, Ban quản lý Khu biên mậu Pò Chài. Hiệu quả từ những giải pháp đồng bộ được chứng minh qua kết quả kim ngạch xuất, nhập khẩu hằng năm qua địa bàn. Đến năm 2014, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 41 đề ra.
Từ những kết quả đạt được, cùng với sự nỗ lực của các ngành, lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Bài, ảnh: ANH DŨNG
Ý kiến ()