Phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào
Thương mại biên giới (TMBG) giữa Việt Nam - Lào chuyển biến tích cực, thị trường mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng trưởng nhanh... Tuy nhiên, TMBG giữa hai nước chưa khai thác hết lợi thế và chưa tương xứng tiềm năng mỗi địa phương.
Theo Vụ trưởng TMBG và miền núi (Bộ Công thương) Hoàng Minh Tuấn, hoạt động thương mại Việt Nam – Lào tạo điều kiện cho các địa phương biên giới khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình, liên kết được với các tỉnh, thành phố của cả nước, dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động, có thế và lực cạnh tranh trên thị trường. Qua TMBG, hai nước trao đổi khối lượng lớn hàng nông lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Các thành phần tham gia TMBG hai nước ngày càng đa dạng và phong phú, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương biên giới hai bên. Hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới liên tục được quan tâm đầu tư và phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ TMBG được nâng cấp, mở rộng. Nhiều cặp cửa khẩu được mở và nâng cấp tạo thuận lợi giao lưu thương mại, văn hóa – xã hội qua biên giới. Các khu kinh tế cửa khẩu đang dần trở thành trung tâm kinh tế -thương mại vùng biên…
(Nguồn Bộ Công thương)
TMBG đóng góp tích cực thúc đẩy kim ngạch buôn bán hai chiều. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng nhanh: Năm 2012, kim ngạch đạt 912,6 triệu USD; năm 2013 là 1,25 tỷ USD và năm 2014 dự kiến là 1,5 tỷ USD.Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú lưu ý, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hai chiều hiện tại thì phải rất cố gắng mới đạt mục tiêu hai tỷ USD năm 2015 như yêu cầu lãnh đạo hai nước đặt ra.
TMBG giữa Việt Nam – Lào tuy phát triển thuận lợi nhưng chưa mạnh, chưa khai thác hết lợi thế và chưa tương xứng tiềm năng mỗi địa phương. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú chỉ rõ: Hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới hai nước đang trong quá trình hoàn thiện nên hiệu quả pháp lý thấp, nhiều bất cập và là một trong những trở ngại lớn để các địa phương biên giới thu hút đầu tư. Đến nay, hai nước chưa xây dựng và ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới. Điều này ảnh hưởng sự thống nhất và đồng thuận, giải quyết nhiều vấn đề liên quan. Kim ngạch trao đổi hàng hóa liên tục tăng qua các năm nhưng chưa mạnh và đồng đều cả tuyến (các cửa khẩu của hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình chiếm tới 70% giá trị của mười địa phương có biên giới với Lào). Một số nơi có tiềm năng như Điện Biên, Sơn La, Kon Tum… nhưng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại, giao thông chưa được đầu tư tương xứng nên TMBG nói chung và kinh tế cửa khẩu nói riêng chậm phát triển. Phương thức kinh doanh không đa dạng, chủ yếu xuất nhập khẩu trực tiếp qua biên giới, các loại hình dịch vụ TMBG chưa có nhiều. Do đặc thù buôn bán qua biên giới và thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán cùng với nhu cầu thanh toán, chuyển đổi tiền tệ thấp tại địa bàn gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại khi mở chi nhánh, phòng giao dịch tại cửa khẩu. Việc thực hiện mô hình “một cửa, một điểm dùng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) – Đen-sa-vẳn (Savanakhet) còn gặp trở ngại. Bên cạnh đó, một số tỉnh biên giới của Lào còn chưa cho phép lưu thông phương tiện giao thông mang biển kiểm soát Việt Nam hoặc xe đưa khách du lịch của Việt Nam đi xe không sang đón khách tại Lào… phần nào cản trở TMBG.Đáng lưu ý là công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại còn nhiều hạn chế, một phần do địa hình phức tạp, phân bố dân cư, khó khăn kinh tế, hạn chế dân trí vùng biên giới và quan trọng hơn là chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản pháp quy và khác biệt về chính sách quản lý của mỗi nước…
Để hoạt động TMBG hiệu quả, thời gian tới hai bên cần thực hiện tốt một số nội dung. Thứ nhất, hoàn thành thủ tục ký Hiệp định sửa đổi, bổ sung Hiệp định thương mại hàng hóa Việt Nam -Lào; tiến tới ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới hai nước. Hai là, thực hiện dự án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020. Thứ ba, lập thỏa thuận về quy chế quản lý chợ biên giới chung Việt Nam – Lào; lập quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới chung giữa hai nước. Thứ tư, tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi và khuyến khích TMBG, ưu đãi thuế quan, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; giảm các loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Thứ năm, kiểm tra thực hiện quản lý chợ biên giới, thỏa thuận ưu đãi giảm thuế suất thuế nhập khẩu, thỏa thuận về tạo thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện qua biên giới. Thứ sáu, tăng cường tổ chức các sự kiện thương mại, hội chợ – triển lãm thương mại khu vực biên giới; tăng cường trao đổi các đoàn thương nhân hai bên. Thứ bảy, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý các cấp; xây dựng tài liệu thông tin nhiều thứ tiếng; danh sách doanh nghiệp uy tín, sản phẩm đặc trưng. Thứ tám, phối hợp các địa phương biên giới tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()