Phát triển thương mại biên giới
LSO-Những năm qua, thương mại – dịch vụ là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là thương mại biên giới được coi là động lực, đòn bẩy phát triển kinh tế của tỉnh, chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư lĩnh vực này.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Nà Nưa (Tràng Định) |
Hoạt động thương mại biên giới trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn diễn ra ngày càng sôi động. Là cửa ngõ giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Lạng Sơn đang tận dụng tốt lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Ngành thương mại – dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh, năm 2017 thương mại – dịch vụ chiếm 49,73%.
Hiện có hơn 2.700 doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu (XNK) qua địa bàn tỉnh, năm 2017 đạt tổng kim ngạch 5.250 triệu USD, tăng 27,1% so với năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch XNK ước đạt 1.233 triệu USD, đạt 25,4% kế hoạch, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên giới đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn cư dân biên giới.
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng thương mại biên giới thời gian qua vẫn thiếu tính ổn định, phụ thuộc nhiều vào chính sách, thị trường nước bạn. Đồng thời, Lạng Sơn không phải là tỉnh duy nhất có cửa khẩu với Trung Quốc, do vậy, tỉnh vẫn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, định hướng phát triển thương mại khu vực biên giới như: đẩy nhanh tốc độ nâng cấp mạng lưới cơ sở hạ tầng, tìm hình thức hợp tác linh hoạt để tăng quy mô trao đổi thương mại, gồm cả chính ngạch và biên mậu. Đẩy mạnh việc lập quy hoạch, xây dựng khu trung chuyển, dịch vụ bến bãi, trung tâm thương mại và dịch vụ dọc tuyến hành lang biên giới nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư…
Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Tỉnh đang tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khu trung chuyển hàng hóa tại 2 xã Thụy Hùng và Phú Xá, huyện Cao Lộc với diện tích 143,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.299 tỷ đồng. Đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch các bến, bãi khu vực cửa khẩu, chỉ đạo các doanh nghiệp đã khai thác khẩn trương đầu tư hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ, đảm bảo đúng theo quy định để thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh XNK hàng hóa. Kiên quyết đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đầu tư đối với những doanh nghiệp không chấp hành.
Theo thông tin từ ngành công thương, ngành đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh các hoạt động về xúc tiến thương mại như: tổ chức các đoàn giao thương, hội chợ sang thị trường Trung Quốc để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu và hợp tác kinh doanh. Điển hình như Lạng Sơn và Quảng Tây đã ký thỏa thuận luân phiên tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Trung (Trung – Việt) mỗi năm một lần. Khuyến khích phát triển ở các cặp cửa khẩu và chợ biên giới. Đơn giản hoá và hài hoà thủ tục XNK, hải quan, kiểm dịch nhằm tạo điều kiện cho luồng lưu chuyển hàng hoá, người, phương tiện qua lại giữa hai nước.
Bên cạnh đó, để thương mại biên giới phát triển bền vững và tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu. Theo thống kê của ngành công thương, quý I/2018, các ngành chức năng kiểm tra, xử lý hơn 1.100 vụ vi phạm pháp luật về thương mại, tăng 33,3% so với cùng kỳ. Trong đó: buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu hơn 570 vụ, gian lận thương mại 510 vụ và hàng giả 30 vụ.
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều chương trình nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hợp tác, giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đồng thời, mỗi khi phát sinh trở ngại khiến hàng hóa khó lưu thông qua khu vực biên giới, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động đàm phán, trao đổi với ngành chức năng nước bạn để phối hợp tạo điều kiện thông quan hàng hóa, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp cụ thể để tháo gỡ và tạo sức bền cho doanh nghiệp cũng như phát triển thương mại biên giới.
ANH DŨNG
Ý kiến ()