Phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên
Vùng chè đặc sản Tân Cương ngày càng thu hút nhiều khách du lịch.
Lan tỏa hương vị chè Thái
Với thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu đặc thù, người dân giàu kinh nghiệm trồng và chế biến đã tạo nên thương hiệu chè Thái Nguyên, đặc biệt là vùng chè đặc sản Tân Cương (TP Thái Nguyên) hay còn gọi là chè Thái, khi pha nước xanh, hương vị đặc trưng, đậm, ngọt hậu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Từ khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà lần thứ nhất và vùng đặc sản chè Tân Cương được trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2011 thì chè Thái Nguyên càng được sử dụng rộng rãi, góp phần thúc đẩy quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè.
Tỉnh có vùng trồng chè tập trung, chế biến, đóng gói, tiêu thụ mang tính chất chuyên nghiệp tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP Thái Nguyên. Ở sườn đông dãy núi Tam Đảo, được thiên nhiên ưu đãi, chè là cây trồng chủ lực của huyện Đại Từ với hơn 6.300 ha, chiếm gần 25% diện tích chè của toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cho nên năng suất, chất lượng chè nâng lên, bình quân mỗi héc-ta đạt doanh thu 400 đến 500 triệu đồng/ năm, sản xuất chè cao cấp đạt gần một tỷ đồng/ha/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 6%. HTX chè La Bằng (xã La Bằng) sản xuất chè mang thương hiệu La Bằng, là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, từ thống nhất sử dụng vật tư đầu vào, quy trình chăm sóc, thời gian thu hái, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ cho nên được người tiêu dùng tín nhiệm, ưa chuộng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Đại Từ Hoàng Văn Thành cho biết: “Các thành viên HTX chè La Bằng thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, chế biến, nhất là không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hằng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh lấy mẫu chè La Bằng xét nghiệm ba lần, kiểm tra sổ nhật ký chăm sóc và đều chứng nhận vượt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”. Chè La Bằng có mầu xanh, vị đậm, hương vị khác biệt, ngọt hậu, sạch vì thế năm 2017 được chọn làm quà tặng cho các đại biểu dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. HTX chè La Bằng tích cực quảng bá chè ra thị trường qua in-tơ-nét, trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước, xây dựng nhà giới thiệu quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và trưng bày sản phẩm cho nên chè sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Vùng chè đặc sản Tân Cương gồm sáu xã thuộc TP Thái Nguyên với diện tích 1.600 ha được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được hàng triệu người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm qua. Ở vùng này, sản xuất chè đã đạt đến trình độ chuyên môn hóa khá cao với khoảng 50 HTX kiểu mới, cơ sở sản xuất chè có thương hiệu. HTX chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương sản xuất chè theo quy trình khép kín, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thảo mộc phun trừ sâu cho chè, khi thu hoạch không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ thời điểm thu hái. HTX tiến hành thu mua chè nguyên liệu của các xã viên và nông dân trong vùng liên kết để chế biến với sản lượng mỗi năm khoảng 150 tấn chè thành phẩm, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Trưởng phòng Kinh tế TP Thái Nguyên Mã Quốc Hùng chia sẻ: “Cùng với việc hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết sản xuất khép kín, những năm qua, tỉnh và TP Thái Nguyên có nhiều chương trình, đề án, dự án đầu tư, hỗ trợ thay thế nương chè cũ, trồng giống chè chất lượng cao, hệ thống tưới xoay chiều, công cụ chế biến, đóng gói, quảng bá cho nên năng suất, chất lượng chè đặc sản Tân Cương không ngừng được nâng lên, sản phẩm được tiêu thụ ngày càng rộng rãi”.
Năng lực sản xuất và chế biến chè phát triển thể hiện rất rõ ở vùng chè đặc sản Tân Cương. Trước đây, những đồi chè thường không được tưới vì thế mỗi năm chỉ cho thu hái bảy, tám lứa/ năm; công đoạn sao, vò, sấy chè chủ yếu dùng củi, tay với những công cụ thô sơ như chảo, vạc thì những năm gần đây chè được đầu tư hệ thống tưới xoay chiều, đủ độ ẩm, cho thu hái 10 đến 11 lứa/năm. Công cụ tự động hóa sử dụng ga, điện trong các khâu chế biến, đóng gói, giảm đến mức thấp nhất sức lao động, mẫu mã, chất lượng chè được nâng lên. Nhằm giảm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất chè, đến nay đã xuất hiện mô hình sản xuất chè với thiết bị và công nghệ hiện đại. Chủ cơ sở chè Thắng Hường (xã Tân Cương) Trần Văn Thắng cho biết: “Tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng mua thiết bị bay phun thuốc cho chè. Sau khi pha thuốc, nạp vào bình trên máy, ngồi một chỗ điều khiển máy sẽ bay phun thuốc với độ chính xác cao, tiết kiệm được hai phần ba thời gian, lượng thuốc giảm một nửa. Chưa kể cánh quạt máy khi bay sẽ giúp lá chè được phun cả hai mặt cho nên sâu rơi xuống đất chết. Trong khi đó, phun thủ công thì lá chè chỉ được phun ở mặt trên, sâu ẩn nấp ở mặt dưới, khe, kẽ cây chè dẫn đến hiệu quả không cao”. Mặc dù vốn đầu tư cao, phải xin cấp phép sử dụng ba tháng một lần với tiền phí 12 triệu đồng, nhưng anh Thắng rất hài lòng khi sử dụng máy để phun thuốc trừ sâu.
Thu hút khách du lịch
Tại vùng chè đặc sản Tân Cương, đến nay đã hình thành một số sản phẩm du lịch hấp dẫn. Không gian văn hóa trà Tân Cương – nơi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà định kỳ hai năm một lần, là công trình được xây dựng tinh tế, mái ngói mầu xanh của chè, uốn lượn mềm mại, bên trong trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, công cụ chế biến, pha chè, thưởng trà, nhằm giới thiệu rõ hơn tới du khách các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chè. Vào dịp cuối tuần, lễ, Tết, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, tìm hiểu nghề chè, thưởng trà. Du khách còn có dịp tỏa đi các ngả đường tham quan các đồi chè san sát như bát úp nối tiếp nhau trùng điệp của vùng trung du, những luống chè được trồng ngay ngắn thẳng hàng đẹp mắt trên sườn đồi, thấp thoáng là những căn biệt thự được xây lên, chủ yếu từ tiền bán chè. Bức tranh vùng đặc sản chè Tân Cương đang ngày càng hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Ngoài yếu tố hấp dẫn là việc dùng máy có khả năng bay phun thuốc cho chè, cơ sở chè Thắng Hường còn sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan nương chè của mình, mời vào nhà thưởng thức kẹo lạc và thưởng trà miễn phí, ra về du khách có thể mua chè uống, làm quà biếu. Từ cơ sở chè Thắng Hường, theo đường bê-tông xuyên qua đồi chè xanh ngát, hồ nước mát lành đến cơ sở sản xuất chè Tiến Yên do anh Bùi Trọng Đại làm chủ, lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè, phục vụ cơm nước và nghỉ ngay tại gia đình. Anh Đại xây dựng hệ thống đường bê-tông nhỏ lên đến gần 1.000 m trong khu vực đồi chè của mình để du khách tham quan, chụp ảnh; đào ao tạo hồ nước, làm cầu, dựng lều trên hồ để du khách ngồi thưởng trà, ngắm cảnh; tổ chức cho du khách trải nghiệm vùng chè. Với những dịch vụ như vậy, dù chưa nhiều nhưng gia đình thu được phí, tiêu thụ chè ngay tại nhà.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên chủ trương đầu tư ba mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm chè với diện tích 120 ha gần Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc với hạ tầng đồng bộ, thiết kế, trồng chè khoa học, chỉnh trang nương chè đẹp mắt, sản xuất chè theo hướng hữu cơ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhiều gia đình ở các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ và TP Thái Nguyên cải tạo nương chè đẹp, đầu tư dịch vụ kèm theo để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, làm được như các cơ sở chè Thắng Hường, Tiến Yên là chưa nhiều.
Đến nay, nhiều vùng sản xuất chè tập trung ở Thái Nguyên, trong đó có vùng chè đặc sản Tân Cương sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, chè Thái Nguyên vốn danh tiếng nhưng giá bán chưa tương xứng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương Phạm Văn Sĩ trăn trở: “Chè đặc sản Tân Cương xuất khẩu còn hạn chế, giá bán trên địa bàn đến nay chưa tương xứng với giá trị. Giá chè đinh Tân Cương từ 2,5 đến ba triệu đồng/kg, trong khi đó với chất lượng tương tự, ở nước ngoài người ta bán với giá cao gấp hàng chục lần. Tương tự như vậy, chè nõn Thái Nguyên bán tại nơi sản xuất chỉ có giá 600 nghìn đồng/kg, nhưng chè có chất lượng tương tự có giá trị gấp hai, gấp ba lần. Tiềm năng du lịch vùng chè chưa được phát huy”. Mặt khác, nhiều khâu trong quy trình sản xuất chè đã được tự động hóa, nhưng thu hái thì không có phương tiện thay thế được sức người, phải hái bằng tay và hiện nay đang rất thiếu nhân lực thu hái, vì hầu hết thanh niên không muốn làm nghề chè và đã thoát ly đi làm ở thành phố, khu công nghiệp, dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: “Thời gian vừa qua, tỉnh Thái Nguyên chủ trương gắn Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển du lịch của tỉnh với du lịch vùng chè nhằm thúc đẩy du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào vùng chè để nâng cao năng suất, chất lượng, chế biến nhiều sản phẩm chè để xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước nhằm nâng giá trị của chè. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong thu hút đầu tư vào vùng chè là tích tụ đất đai”. Tỉnh cần có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn về tích tụ đất đai nhằm thu hút đầu tư vào vùng chè. Như vậy mới có điều kiện đẩy nhanh tiến trình sản xuất chè theo theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, cải tiến hơn nữa mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm từ chè để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời thay đổi nhận thức của cộng đồng, khuyến khích các gia đình có điều kiện liên kết, cải tạo, xây dựng những đồi chè đẹp mắt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm hái, chế biến chè, đầu tư nơi ăn, chỗ nghỉ, đào tạo ngoại ngữ, tăng cường tuyên truyền để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè.
Theo Nhandan
Ý kiến ()