Phát triển thương hiệu cam Phù Yên, Sơn La
Phát huy tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, các xã vùng Mường của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) đã tập trung phát triển cây ăn quả có múi, trong đó chủ lực là loại cam và quýt ngọt. Những ngày này, tại Phù Yên, các vườn cam chín vàng rực rỡ, sai trĩu quả, báo hiệu một mùa bội thu, đặc biệt là cam đường canh, cam Vinh, quýt ngọt.
Cách đây hơn 10 năm, những gia đình ở tỉnh Hưng Yên đến định cư tại xã Mường Thải (huyện Phù Yên) đã đưa các giống cây cam Vinh, cam đường canh lên trồng trên vùng đất này. Cây cam trên vùng đất Mường Thải đã bén rễ xanh tươi, đơm hoa, kết trái ngọt, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây.
Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Văn Ngân ở bản Văn Yên (xã Mường Thải) quyết định chuyển toàn bộ số diện tích trồng ngô, đỗ tương sang trồng cam đường canh, cam Vinh. Ông Ngân cho biết, lúc đầu trồng cam gặp không ít khó khăn về kiến thức và kinh nghiệm. Sau nhiều năm tự tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm trồng cam ở các vùng miền khác, đến nay, vườn cam rộng khoảng 2 ha của gia đình ông đã cho thu hoạch năm thứ 4, bình quân mỗi năm đạt sản lượng 20 – 30 tấn, mang lại thu nhập khoảng 600 – 700 triệu đồng, cao gấp 5 – 6 lần so với trồng ngô.
Cam Mường Thải hiện có mặt tại 8/10 bản của xã với khoảng 180 ha, trong đó có khoảng 100 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính năm 2017 là hơn 3.000 tấn. Cây ăn quả có múi, nhất là cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Mường Thải. Ông Đỗ Hồng Tốt, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải cho biết, địa phương luôn xác định đưa cây ăn quả có múi vào trồng, đặc biệt là cây cam. “Được sự quan tâm của huyện Phù Yên và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước từ các Chương trình 30a, 135, xã đã xây dựng các mô hình, nhóm hộ, tổ hợp tác xã để trồng cam. Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được thương lái đến mua tận vườn” – ông Tốt chia sẻ.
Cùng với Mường Thải, cây ăn quả có múi đã được xã Mường Cơi chú trọng phát triển. Từ một số mô hình ban đầu, đến nay tại Mường Cơi có khoảng 100 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cây cam, quýt ngọt. Nhiều diện tích cam, quýt ngọt ở Mường Cơi đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ. Gia đình anh Nguyễn Văn Sử ở bản Nghĩa Hưng là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi từ trồng cây ngô sang cây quýt ngọt với hơn 2 ha từ năm 2010. Anh Sử cho biết, với đặc điểm đất đồi dốc cao, vợ chồng anh đã bỏ nhiều công sức, thời gian, tiền của để cải tạo đất, làm đường ống dẫn nước tưới ổn định, học hỏi kỹ thuật trồng cam, quýt ở nhiều nơi. Qua nhiều năm trồng và chăm sóc cam, quýt, gia đình anh đã đúc kết được những kinh nghiệm trong việc trồng loại cây này. Sản lượng quýt của gia đình anh Sử luôn đạt khoảng 25 tấn/năm, giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/kg. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh Sử đã được cải thiện rất nhiều.
Những năm gần đây, cây ăn quả có múi, nhất là cây cam, quýt đã được nhiều địa phương ở huyện Phù Yên đưa vào trồng thử nghiệm trên đất dốc. Qua thực tế cho thấy, nếu chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, năng suất đạt rất cao. Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên cho biết, địa phương hiện có trên 300 ha cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi da xanh…) tập trung tại hai xã Mường Cơi và Mường Thải, trong đó cam là loại cây chủ lực. Phù Yên hiện đã có khoảng 200 ha cam, quýt đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân khoảng 5.000 tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình. Đặc biệt, ngày 4/12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”, đây là một bước ngoặt quan trọng để nhiều người biết đến cam Phù Yên trong việc bảo hộ chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên thông tin thêm, thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tập trung nhân rộng và phát triển cây ăn quả có múi, nhất là cây cam trồng rải vụ với các loại giống ít hạt, chín muộn, chín sớm để kéo dài thời gian thu hoạch. Cùng với đó, huyện Phù Yên sẽ quan tâm quản lý về chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()