Phát triển thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột
UBND tỉnh Đác Lắc cùng Hiệp hội cà-phê ca-cao Việt Nam tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn nhãn hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột trên một số thị trường sau khi thắng kiện và đòi lại thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột do một doanh nghiệp tại Quảng Châu đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc.
Đây là tin vui, và sẽ vui hơn nếu chúng ta cùng nhau xây dựng một thương hiệu cà-phê mang tính bền vững…
Phát triển bền vững Xác lập bảo hộ Tên gọi xuất xứ hàng hóa cà-phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ cà-phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà-phê nhân Robusta. Mục tiêu là thiết lập hệ thống tổ chức quản lý chất lượng và thương mại nhằm phát triển, quảng bá chỉ dẫn địa lý, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cà-phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Để đạt mục tiêu trên, Đác Lắc tiếp tục đầu tư hơn 2.823 tỷ đồng phục vụ chương trình phát triển cà-phê; qua đó khảo sát, quy hoạch lại việc phát triển cà-phê theo hướng sản xuất bền vững, để diện tích cà-phê của tỉnh đến năm 2020 là 170 nghìn ha, sản lượng hằng năm đạt từ 450 nghìn tấn cà-phê nhân trở lên; 50% diện tích có cây che bóng và chỉ phát triển ở những vùng chủ động được nguồn nước, thuận tiện cho các biện pháp thâm canh đồng bộ. Một trong những khâu quan trọng trong sản xuất cà-phê bền vững là mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho khoảng 8.000 hộ nông dân/năm; triển khai áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 cho 60% sản lượng cà-phê xuất khẩu trở lên; tham gia phổ biến bộ quy tắc chung cho cà-phê như 4C, UTZ…
Các chính sách hỗ trợ đi kèm là: đào tạo, tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến; kinh phí áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193:2005; xây dựng trạm giống, vườn nhân chồi đáp ứng cho nhu cầu tái canh nâng cấp chất lượng vườn cà-phê.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đác Lắc Trang Quang Thành cho biết: Nếu ở các tỉnh đồng bằng xây dựng cánh đồng mẫu lớn về lúa thì ở Đác Lắc nên xây dựng cánh đồng mẫu lớn về cà-phê, điều này không những giúp nông dân nhận được nhiều lợi ích mà còn giúp tỉnh quy hoạch lại diện tích cà-phê trong quá trình phát triển. Ngoài ra, phải nâng cấp chuỗi giá trị, mà cụ thể là cải thiện chuỗi cung ứng cho gọn nhẹ hơn để người nông dân có thể bán trực tiếp cho đại lý, công ty thu mua hoặc công ty thu mua xuất khẩu thông qua hợp đồng giữa các nhóm nông dân với các nhà thu mua xuất khẩu mà không phải qua các khâu trung gian. Trong chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng cà-phê, Nhà nước cần có sự điều phối, đầu tư thích đáng để tổ chức lại sản xuất…
Có như vậy, cà-phê ở Đác Lắc mới dần đi vào lộ trình phát triển bền vững.
Mở rộng mô hình liên kết Ông Ama Vôn, Buôn Krông B, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột nói: Là người làm cà-phê lâu năm, tôi nhận thấy sản xuất cà-phê còn nhỏ lẻ.
Hiện nay, một số nông dân trồng cà-phê ở xã Ea Tu, Hòa Đông, Cư Êbur đã được tham gia vào liên minh sản xuất cà-phê của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, tôi thấy họ đã dần thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu trước kia. Các hộ đã cải tạo vườn cây, bón phân hợp lý. Hiệu quả mà mô hình liên kết sản xuất mang lại rất rõ ràng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cà-phê xuất khẩu, theo tôi, trước hết phải mở rộng các mô hình liên kết hộ nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm giúp người trồng cà-phê được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm.
Công ty Liên doanh Chế biến và Xuất khẩu Cà phê Man – Buôn Ma Thuột (gọi là Dak Man) là một trong những doanh nghiệp (DN) đi đầu trong phát triển sản xuất cà-phê tại tỉnh Đác Lắc. Công ty thành lập một liên minh sản xuất cà-phê ở xã Ea Tu, hai tổ liên kết, 10 tổ hợp tác (năm nhóm nông hộ với 29 câu lạc bộ), thu hút khoảng 2.500 nông hộ tham gia, với diện tích hơn 3.700 ha, năng suất khoảng 10.000 tấn/năm. Tổng Giám đốc Dak Man Phạm Ngọc Bằng khẳng định: Tham gia sản xuất cà-phê bền vững có chứng nhận, kiểm tra là hướng đi có lợi cho cả DN và nông dân, bởi người tiêu dùng rất khắt khe về chất lượng, và đòi hỏi sản phẩm phải truy nguyên được nguồn gốc, phải sản xuất theo phương thức bảo đảm yếu tố xã hội và môi trường. Vì thế, những DN tham gia sản xuất cà-phê có chứng nhận, kiểm tra không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà uy tín thương mại của DN còn được nâng cao, nhờ đó việc kêu gọi đầu tư, tài trợ thuận lợi hơn. Trong thời gian qua, Dak Man đã được nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp Đác Lắc… đã tài trợ vốn giúp nông dân sản xuất cà-phê theo hướng bền vững.
Anh Y Suyn Êban, một nông dân ở buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) tham gia Liên minh sản xuất cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 bộc bạch: Lâu nay đồng bào làm cà-phê theo kinh nghiệm là chính. Trong chăm sóc, cứ tận dụng có gì bón nấy, có tiền nhiều thì bón phân, tưới nước nhiều, không có thì ít hơn. Cách làm này cho năng suất không cao, chất lượng thấp, cây lại hay bị bệnh. Từ khi tham gia liên minh, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, đồng bào mới biết tháng nào làm cành, tháng nào bón phân, tưới nước, tỷ lệ như thế nào là phù hợp với nhu cầu của cây. Trong sơ chế cũng vậy, lâu nay phần lớn bà con đều phơi cà-phê trên sân đất hoặc ủ thành đống nên dễ bị đen, mốc… Từ khi được cán bộ hướng dẫn, giải thích, bà con mới biết sân phơi có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nên đã đầu tư xây dựng sân phơi đúng tiêu chuẩn.
Chị H'Wơt Ênuôl, buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Gần hai năm nay, gia đình tôi và các hộ khác trong buôn tham gia Liên minh sản xuất cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 và kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Khi tham gia mô hình, chúng tôi được làm quen với phương thức sản xuất cà-phê chuyên nghiệp hơn, sạch hơn, hiệu quả hơn, được hướng dẫn những kỹ thuật như tỉa cành, bẻ chồi, đào bồn… sao cho cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Hiện nay, trong số khoảng 3 ha cà-phê của gia đình, tôi đã ghép chồi trên sáu sào và trồng mới bằng giống cà-phê được Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp, kết quả đạt được rất khả quan.
Đổi mới công nghệ thu hoạch Theo ông Trần Văn Chương, ở thôn 3, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, cung cách làm ăn mới mà nông dân được tiếp cận, nhất là thời điểm thu hoạch và khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, đóng vai trò quan trọng nhất. Nhiều người trồng cà-phê thường theo tập quán sản xuất, cứ cắn quả cà-phê thấy cứng thì dù xanh vẫn thu hoạch, bởi theo họ, thu hoạch như thế sẽ giảm được chi phí mà không sợ mất trộm.
Thế nhưng ít ai để ý rằng, thu hái xanh sẽ làm giảm sản lượng và chất lượng. Thời gian gần đây, với việc siết chặt quá trình thu hoạch của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm tỷ lệ cà-phê chín khi thu hái đạt hơn 95% đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người nông dân. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững, mỗi người trồng cà-phê cần phải thay đổi triệt để tập quán sản xuất của mình.
Tính đến nay, tại các vùng trọng điểm cà-phê của Đác Lắc như Krông Búc, Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M'gar, Cư Kuin, Buôn Ma Thuột…
việc liên kết trồng cà-phê bền vững của các hộ dân với một số DN chế biến – xuất khẩu cà-phê đã và đang thu hút đông đảo người dân tham gia. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 39.186 hộ dân tham gia trồng cà-phê theo tiêu chuẩn UTZ và 4C, trên tổng diện tích khoảng 56.140 ha. Qua đó, người trồng cà-phê được các DN hỗ trợ nhiều mặt, nhất là tập huấn kỹ thuật tiến bộ giúp người nông dân từ bỏ dần thói quen canh tác truyền thống thiếu bền vững. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng cà-phê từng bước được nâng cao, khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu hiện nay.
Với cách làm kể trên, tin rằng trong thời gian không xa, thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột sẽ bay xa hơn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()