Phát triển thị trường tái chế chất thải rắn sinh hoạt
Việt Nam đã hình thành thị trường mua, bán chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hoặc các sản phẩm tái chế từ CTRSH. Nhờ đó, tạo ra những giá trị kinh tế gia tăng từ nguyên liệu chính là CTRSH, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với CTRSH.
Với khối lượng CTRSH phát sinh trung bình khoảng hơn 61 nghìn tấn/ngày, trong đó phát sinh tại khu vực đô thị khoảng hơn 37 nghìn tấn/ngày và khu vực nông thôn là hơn 24 nghìn tấn/ngày. Vì vậy, nhiệm vụ quản lý CTRSH đang là một trong những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong những thập kỷ trước, chính sách quản lý CTRSH thường nhằm mục tiêu xử lý chất thải với chi phí thấp nhất, thể hiện qua phương án chôn lấp. Nhưng hiện nay, hoạt động quản lý CTRSH đang được thực hiện theo quy trình tổng hợp, tức là quản lý theo toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh cho đến giai đoạn xử lý cuối cùng. Mục đích của hoạt động này là bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và từng bước hướng đến sự phát triển bền vững. Trong quá trình quản lý tổng hợp đó, giai đoạn tái chế, tái sử dụng được đánh giá có tiềm năng để mang lại các giá trị kinh tế trực tiếp từ nguồn chất thải nêu trên.
Xuất phát từ yêu cầu nêu trên, các hoạt động tái chế, tái sử dụng CTRSH ở Việt Nam đã từng bước hình thành các thị trường riêng. Hàng hóa trong thị trường này chính là các loại chất thải được sử dụng làm đầu vào cho hoạt động tái chế và các sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế. Tại Việt Nam, hiện nay đang tồn tại hai thị trường tái chế CTRSH, đó là: thị trường phi chính thức (chưa có sự quản lý đầy đủ và chặt chẽ của Nhà nước); thị trường chính thức (có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước). Đóng góp của mô hình tái chế chất thải phi chính thức trong công tác quản lý CTRSH ở các tỉnh, thành phố là rất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Đối tượng tham gia mô hình này gồm: nhóm phát sinh chất thải là tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhóm trung gian thu mua phế liệu, cơ sở thu gom và nhóm cơ sở tái chế, làng nghề.
Cùng với xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, Việt Nam đã xuất hiện thị trường tái chế chất thải được quản lý và kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước, với sự tham gia chính thức của các công ty tái chế. Các công ty này được cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh CTRSH. Mặc dù có tới hơn 200 doanh nghiệp tái chế CTRSH ở Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tái chế CTRSH chủ yếu vẫn là doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu… và hiệu quả kinh tế chưa cao.
Các chuyên gia, các nhà quản lý lĩnh vực môi trường đều có chung nhận định: Để phát triển thị trường này, chất thải phải được chuyển đổi thành hàng hóa có giá trị sử dụng làm nguyên liệu đầu vào và bảo đảm yêu cầu về chất lượng tốt cho quá trình tái sử dụng. Tuy nhiên, hiện tại công tác phân loại CTRSH ở Việt Nam vẫn triển khai manh mún, thiếu đồng bộ, dẫn đến thành phần CTRSH còn lẫn nhiều tạp chất, không đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào làm nguyên liệu sản xuất, hay thực hiện tái chế. Mặt khác, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh cho hoạt động tái chế; còn thiếu nguồn lực phục vụ tái chế như: vốn, nguồn nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn và khả năng làm chủ công nghệ mới. Hiện nay, phần lớn máy móc, trang thiết bị đều tự chế hoặc nhập khẩu với chất lượng thấp và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, mặc dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định tương đối đầy đủ để phát triển thị trường tái chế chất thải rắn, nhưng thị trường này vẫn chưa được hình thành đầy đủ do thiếu những cơ chế, chính sách liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất; các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm tái chế…
Để phát triển thị trường tái chế CTRSH bền vững và hiệu quả, trước hết, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường đối với các sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái sử dụng từ CTRSH bằng việc bảo đảm chất lượng của nguồn nguyên liệu CTRSH trước khi đưa vào tái chế, tái sử dụng, nhất là tập trung thúc đẩy phân loại, làm sạch chất thải tại nguồn. Do vậy, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn và coi đây là giải pháp căn bản, quan trọng đầu tiên trong thực hiện ngành công nghiệp tái chế, tái sử dụng CTRSH. Đa dạng hóa các hình thức, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hoạt động tái chế, tái sử dụng CTRSH; thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, dây chuyền hiện đại thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu tái sử dụng… Thành lập các đơn vị đầu mối có chức năng quản lý nhà nước, thực hiện liên kết, cung cấp thông tin về thị trường sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái sử dụng từ CTRSH, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tham gia thị trường này. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của sản phẩm tái chế, thay đổi thói quen của người tiêu dùng về sản phẩm tái chế, tái sử dụng…
Ý kiến ()