Phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa để “phá băng” nợ xấu
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ năm 2012 đến cuối quý III – 2019, hệ thống các TCTD đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính riêng kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 (lũy kế từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực ngày 15-8-2017 đến cuối quý III – 2019) là 236,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Bên cạnh đó, đến cuối tháng 8-2019, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 123,89 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng. Từ kết quả này, NHNN đánh giá, nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý được một bước quan trọng. Tuy nhiên, kết quả nêu trên vẫn chưa đạt như kỳ vọng vì quá trình thực hiện công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Biện pháp xử lý nợ xấu chủ yếu được áp dụng hiện nay là xử lý bằng dự phòng rủi ro. Theo các chuyên gia, về bản chất đó vẫn là sử dụng nguồn lực nội tại của các TCTD, dẫn đến khả năng có thể làm gia tăng áp lực lên thanh khoản cũng như khả năng tập trung nguồn lực của các TCTD vào các nghiệp vụ khác. Đó là chưa kể, nợ xấu thực tế, bao gồm nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) và nợ tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu còn khá cao, khiến cho nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn hệ thống là hiện hữu. Trong điều kiện không sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để xử lý nợ xấu và từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc khuyến khích phát triển thị trường mua bán nợ là rất cần thiết ở Việt Nam. Trên thực thế, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đã có từ hơn 15 năm qua với sự ra đời của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (trực thuộc Bộ Tài chính), tiền thân của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Đến nay, hoạt động mua bán nợ có sự tham gia của DATC, VAMC và khoảng hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các ngân hàng thương mại và hàng chục công ty tư nhân. Tuy nhiên, đó chưa thật sự là thị trường mua bán nợ đúng nghĩa bởi so với thông lệ quốc tế còn chưa hoàn chỉnh khung pháp lý về quản lý thị trường mua bán nợ và hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường. Cụ thể, về khung pháp lý, việc hướng dẫn thi hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ vẫn rất sơ sài và chưa có đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ. Về các bên tham gia thị trường, hiện nay, số lượng các công ty tham gia mua nợ chuyên nghiệp trên thị trường còn hạn chế, mới chỉ có DATC đã xây dựng được nền tảng tốt và lấy xử lý nợ gắn với tái thiết phục hồi doanh nghiệp (DN) làm cơ chế hoạt động chủ đạo. So với các biện pháp xử lý nợ khác như mua nợ bằng TPĐB, bán nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản… thì cơ chế xử lý nợ gắn với tái thiết DN của DATC có ưu điểm là xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu, làm gia tăng giá trị DN, qua đó làm gia tăng giá trị khoản nợ xấu, gắn xử lý nợ với việc bảo đảm an sinh xã hội và tăng thu NSNN (thu thuế mới và thu nợ đọng thuế, nợ đọng BHXH) và xã hội hóa đầu tư cho các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia xử lý nợ hoặc nhận chuyển nhượng vốn góp sau này.
DATC và các giải pháp đề xuất
Sau 16 năm hoạt động, DATC đã hoàn thành sứ mệnh của mình với vai trò đặt nền móng cho việc hình thành thị trường mua bán nợ với giá trị mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 3.000 DN xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng để tái cấu trúc phục hồi kinh doanh. Trong đó có những hợp đồng có giá trị giao dịch cả nghìn tỷ đồng tại các DN quy mô lớn. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của DATC đang xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định của pháp luật liên tục được điều chỉnh, bổ sung khiến cho các hoạt động liên quan đến mua, bán nợ, thoái vốn… bị lạc hậu so với thực tế. Đặc biệt là hiện nay chưa có cơ chế mang tính đột phá phù hợp đặc thù hoạt động của DATC.
Trong các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, vấn đề bổ sung quyền hạn, mở rộng phạm vi hoạt động và chức năng của DATC đã được đặt ra. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đối với chủ thể tham gia thị trường như DATC cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo lập cơ sở pháp lý nói chung, các cơ chế đặc thù nói riêng. Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã có riêng một bộ luật với khung pháp lý về tái cấu trúc DN, quản lý tài sản công của Chính phủ cho Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO). Tại Trung Quốc, các công ty Quản lý tài sản như HUARONG, GREATWALL… trong quá trình hoạt động hay khi chuyển đổi mô hình hoạt động đều có thêm nhiều cơ sở pháp lý để một mặt đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, mặt khác vẫn thực hiện chức năng mua bán, xử lý nợ, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao. Đặc biệt tại Thái-lan, Công ty quản lý tài sản SAM được trang bị một chế tài riêng biệt trên thị trường mua bán nợ, theo đó tất cả các chủ nợ trên thị trường sơ cấp đều phải bán nợ cho SAM để thực hiện xử lý nợ tái cơ cấu. DATC hiện tại cũng đang rất cần có những chế tài và cơ sở pháp lý cụ thể như vậy để có thể đột phá hơn nữa trong công tác xử lý nợ của nền kinh tế, tái cơ cấu DN, có điều kiện để áp dụng các phương thức xử lý nợ như mua bán nợ theo lô, thu nợ chiết khấu, mua bán sáp nhập doanh nghiêp…
Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung mới so với Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập DATC cách đây 16 năm. Việc ban hành Nghị định không chỉ nhằm nâng cao năng lực pháp lý đủ mạnh cho DATC, giúp DN hoạt động hiệu quả, tránh rủi ro về mặt pháp lý mà còn góp phần hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán, xử lý nợ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()