Phát triển thị trường lao động: 'Phủ sóng' bằng chính sách đa tầng
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng thị trường lao động đa tầng. Theo đó, tùy vào trình độ phát triển khác nhau của mỗi tầng mà có chính sách hỗ trợ và vai trò của Nhà nước phù hợp.
Những năm qua, sự phát triển, dịch chuyển cơ cấu kinh tế đã kéo thị trường lao động Việt Nam đã phát triển rất nhanh. Thế nhưng, cùng với việc ngày càng mở rộng và đa dạng, thị trường lao động cũng ngày càng bộc lộ nhiều yếu tố cản trở sự phát triển, đòi hỏi cần phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Không áp dụng một chính sách cho tất cả các vùng
Hiện nay, thị trường lao động đang ngày càng sôi động nhưng lại thiếu sự liên thông, kết nối, chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao… Kết quả dự báo cung-cầu lao động hiện nay chưa chỉ ra được cụ thể nhu cầu tuyển lao động theo nghề, theo kỹ năng, trình độ; chưa kịp thời dự báo tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới cung-cầu lao động Việt Nam…
Để khắc phục được những hạn chế này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng hai đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và “Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động.”
Tại buổi tọa đàm “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045” do Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và báo Nhân dân tổ chức ngày 11/12, tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết 10 năm qua, thị trường lao động Việt Nam phát triển rất mạnh, kết quả là nhiều vùng thị trường lao động biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng. Thậm chí, hình thành những thị trường lao động chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
“Đối với miền núi, chúng ta xây dựng thị trường riêng để bảo đảm phát triển hài hòa, phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với chính sách miền núi và chính sách dân tộc,” ông Bình nói.
Đề án mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng theo hướng bảo đảm phủ sóng được từng thị trường, khu vực khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Theo tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng thị trường lao động đa tầng. Tùy vào trình độ phát triển khác nhau của mỗi tầng mà có chính sách hỗ trợ của Đảng và vai trò của Nhà nước phù hợp.
“Quan hệ giữa Nhà nước và thị trường lao động ở vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và ở vùng Đông Nam Bộ sẽ rất khác nhau. Nếu như ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng, vai trò của Nhà nước sẽ có tính chất kiến tạo, hỗ trợ nhiều hơn còn ở vùng miền núi thì chính sách có tính chất thu hút, thậm chí có những nơi Nhà nước phải tạo những cơ chế để đưa người lao động tham gia vào thị trường,” ông Bình cho hay.
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra rằng thị trường lao động chịu tác động của nhiều yếu tố. Hiện nay, quá trình dịch chuyển lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, bên cạnh đó nguồn chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp. Quan hệ cung-cầu đang có vấn đề khi cung chưa đáp ứng được cầu sử dụng. Do đó, cần xây dựng cho được một thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại.
“Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm các yếu tố như chất lượng nguồn nhân lực tăng lên, đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong quá trình hội nhập. Chuyển dịch cơ cấu lao động phải đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước,” tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi nói.
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh đề án về phát triển thị trường lao động phải tránh được người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, đề án phải tập trung vào đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho người lao động, giải quyết vấn đề việc làm bền vững. Khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động vẫn có cơ hội tìm công việc khác.
Dịch chuyển lao động phi chính thức sang khu vực chính thức
Tiến sỹ Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) chỉ ra rằng bản chất của việc làm trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn mang tính chất mưu sinh là chủ yếu, không phải việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững hay tăng trưởng xanh. Vì vậy khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế xã hội bền vững là khoảng cách khá xa. Do đó, phát triển thị trường lao động cần có lộ trình cụ thể, không thể coi là một thị trường đồng nhất giống như các nước phát triển.
“Bên cạnh thị trường lao động khu vực chính thức, còn tồn tại khu vực phi chính thức. Khu vực phi chính thức cung cấp công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động và gia đình họ. Khu vực này dễ tham gia và không có rào cản, quy định về vốn và kỹ năng nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào người lao động cũng tham gia được thị trường này và thị trường phi chính thức sẽ còn tồn tại lâu dài,” tiến sỹ Ngô Quỳnh An nói.
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi cho biết hiện nay Việt Nam có 56 triệu lao động nhưng mới có 20 triệu lao động có quan hệ lao động. Đây là số lao động có việc làm ổn định hơn và thu nhập tốt hơn, có sự bảo vệ tốt hơn, có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Còn lại 36 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hoàn toàn không được bảo hộ.
“Việc chuyển được lao động ở thị trường phi chính thức sang khu vực chính thức là nguyên lý phát triển của thị trường lao động. Đây là mục tiêu mà chúng ta hướng đến nhưng việc thực hiện là một quá trình dài, cần phải có biện pháp để phát triển,” tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Theo các chuyên gia, thị thường lao động đang có xu hướng dịch chuyển lao động ra khỏi ngành nông nghiệp. Thực tế, việc di chuyển lao động tới các khu công nghiệp lớn gây ra áp lực lớn tới an sinh xã hội.
Do đó, các chuyên gia cho rằng đề án phát triển thị trường lao động cần gắn với quy hoạch phát triển vùng để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay dễ gây ảnh hưởng tới cuộc sống lâu dài của người lao động. Ngoài ra, chính sách phát triển phải đa tầng và chú ý đến từng đặc thù của các nhóm đối tượng lao động./.
Ý kiến ()