Phát triển thị trường lao động nhằm thực hiện cam kết Hiệp định TPP
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong tiến trình đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết trong tương lai không xa. Một khi hiệp định được ký kết, sẽ có một số lượng lớn lao động tay nghề cao từ các nước vào thị trường lao động nước ta. Nhằm phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động trong nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, theo ý kiến của các chuyên gia, cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
|
Ảnh minh họa (Ảnh:danviet.vn) |
Thách thức khi thực hiện cam kết lao động trong TPP
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, vấn đề lao động được đặt ra trong đàm phán TPP bao gồm: quyền thương lượng của người lao động đối với giới chủ sử dụng lao động, lương, ngày làm việc, điều kiện lao động, điều kiện về bảo hiểm, quyền trong việc ký kết các hợp đồng lao động,… Những quy định lao động trong TPP giúp Việt Nam đạt được đồng thời hai mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện an sinh xã hội, qua đó thúc đẩy và duy trì tính bền vững của quá trình cải cách chính sách kinh tế tại Việt Nam. Tuy vậy, thách thức của việc thực hiện cam kết trong TPP là không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp và người lao động còn chưa nắm rõ thông tin về TPP. Nếu tham gia TPP, ngoài việc phải áp dụng các tiêu chuẩn về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các quốc gia thuộc TPP sẽ phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn cao hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là “đảm bảo các điều kiện lao động chấp nhận được” gồm tiền công tối thiểu, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ta đã đáp ứng tiêu chuẩn lao động cao, khi gia công hay hợp tác sản xuất với nước ngoài (như tiêu chuẩn sạch, xanh, trách nhiệm xã hội). Vì vậy, việc tiếp nhận các tiêu chuẩn mới không hẳn là một thách thức quá lớn. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn khi thực hiện cam kết TPP là thị trường lao động ở nước ta vẫn chưa phát triển (đặc biệt là khu vực nông thôn), cung cầu về lao động chưa được giải quyết qua thị trường tạo nên ách tắc cho việc giải quyết mối quan hệ giữa lao động và việc làm.
Theo các chuyên gia về nhân lực, thị trường nguồn nhân lực ở Việt Nam dồi dào nhưng lại thiếu về chất lượng. Lao động Việt Nam được đánh giá khéo léo, thông minh, sáng tạo, tiếp thu nhanh những kỹ thuật và công nghệ hiện đại được chuyển giao từ bên ngoài nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Trên thị trường lao động hiện tại, nguồn nhân lực cao cấp và công nhân tay nghề cao vẫn đang là mối quan tâm của nhà tuyển dụng. Thị trường đang rất cần các chuyên gia về quản trị kinh doanh, lập trình viên, kỹ thuật viên, công nhân tay nghề cao,…Tuy nhiên, nguồn cung ứng lao động có chất lượng trên thị trường còn hạn chế.
Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác để hoàn thành công việc của lao động Việt Nam còn yếu. Hệ thống giáo dục hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao. Các chương trình đào tạo của Việt Nam hiện nay vẫn thường nhấn mạnh đào tạo kiến thức lý thuyết mà chưa quan tâm đến các kỹ năng thực hành.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/7/2013, cả nước có 53,3 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên), trong đó, số người trong độ tuổi lao động sống ở vùng nông thôn chiếm gần 70%. Cả nước hiện chỉ có 16,6% số người trong độ tuổi lao động được qua đào tạo. Cũng theo kết quả điều tra, có tới 47,7% số lượng người trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng chỉ có 3% được đào tạo những nghề có liên quan đến lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, giá cả sức lao động vẫn chưa phản ánh đúng giá trị, chưa tác động đến cung cầu thị trường và chưa là yếu tố điều tiết thị trường. Hiện nay, mức lương tối thiểu chung vẫn còn thấp hơn mức lương tối thiểu thực trả trên thị trường lao động. Tiền lương cho một lao động ở các khu vực kinh tế vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu và nhu cầu cuộc sống của một người lao động. Thêm vào đó, di chuyển lao động đang tăng, nhưng tự do hóa lao động còn hạn chế khiến tính linh hoạt của thị trường lao động chưa cao. Đặc biệt sự chuyển dịch lao động trong nước và nước ngoài, giữa các khu vực, các ngành còn nhiều rào cản do cung lớn hơn cầu. Chất lượng, cơ cấu ngành nghề, cung cấp thông tin, cung ứng lao động chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Mặt khác, hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém. Trong đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn chỉnh, còn thiếu tính đồng bộ, chưa có sự phối hợp, chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan chức năng, giữa trung ương và địa phương. Các cuộc điều tra, khảo sát vẫn còn hạn chế, các quy định về chế độ của người sử dụng lao động (doanh nghiệp) còn chưa phù hợp với yêu cầu của người lao động (nhà ở, sinh hoạt văn hóa, chế độ đãi ngộ về lương, thưởng,…) nên chưa thu hút được lao động có tay nghề.
Đồng thời, việc hoạch định các chính sách nói chung và chính sách về thị trường còn yếu, chưa nhận thức được đầy đủ về vai trò, chức năng và lộ trình phát triển của thị trường lao động. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội chưa gắn với quy hoạch nguồn nhân lực, dẫn đến người lao động chưa được đào tạo để chuyển đổi nghề; khuôn khổ pháp lý cho phát triển doanh nghiệp và thị trường lao động chậm đổi mới tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, phân bổ nguồn nhân lực,… Vì thế với những quy định chặt chẽ về lao động trong TPP, nhiều khả năng hệ thống pháp luật Việt Nam không thể thay đổi kịp thời sẽ gây ra sức ép trên nhiều mặt, đồng thời tạo ra rủi ro vi phạm cam kết quốc tế.
Cần rút ngắn khoảng cách cung cầu về lao động
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, phát triển thị trường lao động trong nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, theo TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực.
Thứ nhất , cần tăng cường xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động. Đây là hướng giải quyết việc làm tương đối hiệu quả và tích cực đối với thị trường lao động khi hội nhập TPP, bởi trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc xuất khẩu sẽ tạo nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định so với lao động tự tạo việc làm trong nước và góp phần vào việc đào tạo tay nghề cho người lao động như: tiếp cận công nghệ hiện đại, tích lũy kinh nghiệm, tạo ý thức chấp hành kỷ luật lao động…
Thứ hai , cần rút ngắn khoảng cách cung cầu về lao động. Trong đó, Nhà nước cần có giải pháp kích thích thị trường lao động phát triển theo sát nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Cụ thể, sớm khắc phục khiếm khuyết của các nguồn nhân lực bằng cách tăng tỷ lệ đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo thực hành gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động. Thông tin kịp thời về thị trường lao động, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm và tái đào tạo theo nhu cầu xã hội. Quản lý nguồn lao động, xây dựng hệ thống theo dõi, cập nhật tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc tại các doanh nghiệp,…Đồng thời mở rộng các đối tượng cho vay các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề,…để hỗ trợ người lao động mất việc làm hoàn cảnh khó khăn có khả năng tự tạo việc làm.
Thứ ba , cần phát triển mạnh mẽ thị trường lao động và hạn chế lao động dịch chuyển. Trong đó, phát triển mạnh mẽ thị trường lao nhằm tạo điều kiện cho người lao động được quyền tham gia trao đổi sức lao động trên thị trường theo quan hệ kinh tế thị trường. Điều đó vừa đảm bảo lợi ích cho người lao động, vừa tạo động lực thúc đẩy chất lượng đội ngũ lao động. Đồng thời, cần gắn kết chính sách lao động – việc làm với quá trình và kế hoạch tổng thể về tái cấu trúc kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Chủ động phát triển có tổ chức các thị trường lao động có nhiều tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao, nhất là thị trường lao động chất lượng cao về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, công nghệ thông tin và xuất khẩu lao động. Cần tạo môi trường để người lao động Việt Nam khắc phục được ảnh hưởng của lao động trong nền sản xuất nhỏ, manh mún; được học tập và rèn luyện trong các trường dạy nghề chất lượng cao, được quản lý theo mục tiêu bảo đảm chất lượng đào tạo và gắn với nhu cầu của xã hội.
Để hạn chế tỷ lệ lao động dịch chuyển gây biến động về lao động, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế, Nhà nước cần có những quy định pháp lý ràng buộc người lao động có ý thức và gắn bó với doanh nghiệp. Đồng thời, để tạo nên bước tiến về đào tạo, cơ chế tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, cần có sự thay đổi theo hướng ưu tiên lao động có chất lượng, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc những trường hợp lao động vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()