Phát triển thị trường lao động chất lượng cao
Thế giới việc làm và thị trường lao động quốc tế đã và đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi Việt Nam phải có sự thay đổi cũng như tuân thủ “luật chơi” chung của quốc tế, nhất là các vấn đề về tiêu chuẩn lao động.
Ngành lao động-thương binh và xã hội đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức của một thị trường lao động còn nhiều hạn chế. Đó là, số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ khi tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ thấp chỉ chiếm 26,2%; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.
Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.
Với quy mô lực lượng lao động hơn 51 triệu người như hiện nay, nhưng lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 26,2%, hơn 70% chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn. Có thể thấy, ở thời điểm hiện tại thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều.
Trong khi đó, theo quy luật của thị trường lao động và yêu cầu phát triển chung, tỷ lệ lao động ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải là nhóm có tỷ lệ cao nhất, nhưng Việt Nam thì đang ngược lại, lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở đại học (đại học trở lên chiếm 10,9%, cao đẳng 3,7%, trung cấp 4,3%, sơ cấp 4,7%), cứ một người học đại học thì chỉ có 0,42 người học giáo dục nghề nghiệp, cũng có nghĩa là người lao động gián tiếp (đại học) nhiều hơn người lao động trực tiếp (giáo dục nghề nghiệp)…
Đó là thách thức lớn trong việc thiết lập, xây dựng thị trường lao động hiện đại với chất lượng cao của nước ta.
Xây dựng được lực lượng lao động chất lượng cao thật sự là mục tiêu cấp thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng chính là lý do trong chín nhóm giải pháp lớn mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung, trong đó có đến bốn nhóm giải pháp cuối tập trung vào giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động, đây được xem là vấn đề “gốc rễ” để phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
Hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phải được đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.
Các bộ, ngành cần tập trung thực hiện các văn bản, quy định liên quan tới thị trường lao động, Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động, chú trọng đào tạo cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống.
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề và dự kiến sẽ bố trí thêm. Tại hội nghị về phát triển thị trường lao động vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chủ trương của chúng ta là không tiếc kinh phí cho việc này, nhưng sử dụng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Ý kiến ()