Phát triển thị trường bán lẻ hiện đại: Đa tiện ích cho người tiêu dùng
– Những năm qua, hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đặc biệt là sự xuất hiện của các kênh bán lẻ hiện đại. Với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… cùng đa dạng các dịch vụ tiện ích đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân, thúc đẩy tiêu thụ những sản phẩm chất lượng.
Như đã thành thông lệ, hằng tuần, bà Hoàng Thị Bé, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn lại đến siêu thị Lasvilla Mart để mua sắm. Bà Bé cho biết: Vài năm trở lại đây, tôi dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì đến các chợ, tôi lựa chọn vào siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi để mua sắm. Bởi ở đây có rất nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả được niêm yết nên tôi rất an tâm khi lựa chọn.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Không chỉ bà Bé mà nhiều người tiêu dùng cũng đang có xu hướng lựa chọn đến các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để mua sắm. Sự thay đổi trong thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại.
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 siêu thị gồm: Thành Đô, Đồng Tiến, WinMart, Lasvilla Mart và 3 trung tâm thương mại: Đồng Đăng, Phú Lộc Plaza, Vincom. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 3.750 cửa hàng tiện lợi, tự chọn… trong đó nổi bật là chuỗi 13 cửa hàng bán lẻ tổng hợp Winmart thuộc tập đoàn Masan. Ngay khi góp mặt vào thị trường bán lẻ của Lạng Sơn, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đều chú trọng đến việc đầu tư, phát triển, nâng cấp dịch vụ theo hướng hiện đại, đem đến cho khách hàng nhiều tiện ích khi mua sắm.
Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến cho biết: Với mục tiêu xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, chúng tôi luôn đề cao sự phong phú, chất lượng sản phẩm và phát triển các dịch vụ tiện ích. Hiện nay, siêu thị đang bày bán hơn 10 nghìn sản phẩm với đa dạng các ngành hàng như: thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, đồ gia dụng… Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, ngoài cung cấp các dịch vụ như đa dạng hình thức thanh toán, giao hàng tận nơi, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với các nhãn hàng, nhà phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá cho khách hàng. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày, siêu thị đón tiếp từ 800 đến 1.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Không chỉ các siêu thị lớn mà tại các cửa hàng tiện lợi cũng chú trọng đến việc xây dựng, phát triển theo hướng bán lẻ hiện đại. Chị Tô Kim Thủy, Cửa hàng trưởng Winmart tại đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, cửa hàng của chúng tôi đang có trên 2.000 mặt hàng với đa dạng các sản phẩm từ đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn đến thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, rau củ quả tươi… Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, bên cạnh việc phát hành thẻ tích điểm, chúng tôi còn đưa ra nhiều chương trình, dịch vụ tiện ích khác như: thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh hình thức mua sắm online qua việc xây dựng nhóm khách hàng thân thiết trên Zalo, triển khai chương trình “Đi chợ hộ”… Ngoài ra, cửa hàng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi theo đừng đợt và ưu đãi giảm giá với từng nhóm đối tượng khách hàng. Với nhiều tiện ích mang lại, mỗi ngày, cửa hàng tiếp đón khoảng 200 lượt khách hàng đến mua sắm trực tiếp và hàng chục lượt mua sắm qua kênh online.
Không dừng lại ở việc cung cấp đa dạng, phong phú các sản phẩm, đảm bảo chất lượng, minh bạch về giá cả mà các siêu thị, cửa hàng bán lẻ còn chủ động thay đổi để thích ứng với thị trường, đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 xảy ra. Theo đó, hiện nay, đa phần các cửa hàng đều đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá và cung cấp các dịch vụ như: đa dạng hình thức thanh toán, phát triển kênh bán hàng online… Chính vì mang đến nhiều tiện ích và trải nghiệm mua sắm văn minh, hiện đại nên các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang trở thành sự lựa chọn tin cậy của nhiều khách hàng. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong quý I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.491 tỷ đồng, tăng 17,31% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ, phòng đã chủ động tham mưu sở triển khai nhiều giải pháp như: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thương mại; kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng… Để phát triển bền vững thị trường bán lẻ, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu sở phối hợp với ngành liên quan, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, hướng đến phát triển đồng bộ hệ thống bán lẻ hiện đại đan xen với chợ truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối, cung ứng hàng hóa, hướng đến mục tiêu xây dựng các cửa hàng đạt chuẩn cửa hàng tiện lợi tại khu vực nông thôn, đặc biệt là ở những xã nông thôn mới.
Với nhiều ưu điểm vượt trội trong việc cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khách hàng cùng lợi thế về nguồn hàng, sản phẩm đảm bảo chất lượng, cách bày trí, sắp xếp ngăn nắp, dễ nhìn và thái độ phục vụ chuyên nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại đã và đang thành công thu hút đông đảo khách hàng. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần xây dựng thị trường bán lẻ ngày càng văn minh, hiện đại.
Ý kiến ()