Phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng các ngành kinh tế ở Bắc Ninh
Cùng với xu hướng phát triển của đất nước, sau 15 năm tái lập, kinh tế Bắc Ninh những năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, có chuyển biến về chất lượng và hiệu quả; quy mô kinh tế lớn mạnh không ngừng, năm 2011 tăng gấp 6,6 lần so năm 2007. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao ổn định, bình quân đạt 14,1%/năm.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Đến năm 2011, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 70,7%, dịch vụ 20,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,5% (năm 1997 tỷ trọng ba khu vực này tương ứng là: 23,8% - 45,0% - 31,2%). GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.130 USD (năm 1997 là 196 USD). Xuất phát từ tỉnh nông nghiệp, đến nay Bắc Ninh đã bứt lên đứng đầu trong cơ cấu kinh tế và đứng trong top 10 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất toàn quốc; năm 2011 lần đầu tiên Bắc Ninh xuất siêu hơn 500 triệu USD. Hoạt động tài chính - ngân hàng có bước...
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Đến năm 2011, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 70,7%, dịch vụ 20,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,5% (năm 1997 tỷ trọng ba khu vực này tương ứng là: 23,8% – 45,0% – 31,2%). GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.130 USD (năm 1997 là 196 USD). Xuất phát từ tỉnh nông nghiệp, đến nay Bắc Ninh đã bứt lên đứng đầu trong cơ cấu kinh tế và đứng trong top 10 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất toàn quốc; năm 2011 lần đầu tiên Bắc Ninh xuất siêu hơn 500 triệu USD. Hoạt động tài chính – ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 1997 – 2011 tăng bình quân 29,5%/năm; năm 2011 thu ngân sách đạt hơn 7.100 tỷ đồng, gấp 41 lần so năm 1997; đến nay, đã nằm trong 13 tỉnh tự cân đối và có phần điều tiết ngân sách về Trung ương. Môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 xếp thứ hai toàn quốc.
Tuy nhiên, kinh tế Bắc Ninh cũng gặp những khó khăn, thách thức khi bước vào giai đoạn phát triển mới: cấu trúc ngành kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất công nghiệp thấp và có xu hướng giảm (năm 2006 tỷ lệ này là 24,54%, 2008: 20,18%; 2010: 16,16%); tăng trưởng của ngành công nghiệp còn dựa chủ yếu vào khu vực đầu tư nước ngoài (năm 2011 đạt 73,4% giá trị sản xuất công nghiệp) và thiếu tính bền vững; sự phân tầng và khoảng cách giữa “khu vực truyền thống” và khu vực mới, khu vực kinh tế làng nghề công nghệ lạc hậu, một số nơi còn gây ô nhiễm; chỉ số sáng tạo của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn; quy hoạch, tổ chức không gian kinh tế còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu dài hạn,… Để khắc phục những nhược điểm trên, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa XI), tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Chương trình “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế” của tỉnh Bắc Ninh triển khai theo định hướng chính sách của quốc gia, đồng thời phù hợp tình hình địa phương; trong đó bao hàm cả các nội dung ngắn hạn và dài hạn.
Một là, xác định định hướng tái cấu trúc nền kinh tế. Trên phạm vi quốc gia, quá trình “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế” từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu thì ở Bắc Ninh phải chuyển hướng sang chủ yếu phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.
Nguồn tài nguyên thiên thiên quý giá nhất của tỉnh Bắc Ninh chính là đất đai, cần rà soát và quy hoạch, sử dụng đất có hiệu quả nhất, xây dựng chỉ tiêu về hiệu quả sử dụng đất trên cơ sở mức đầu tư, tài chính, đóng góp cho ngân sách, công nghệ và hiệu quả dự án, tác động ngoại sinh tích cực (lao động, việc làm và mức độ tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống khu vực dân cư nông thôn, khu vực thu hồi đất,… nơi có dự án đầu tư). Do đó, ở Bắc Ninh sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng.
Hai là, thực hiện tái cấu trúc các ngành kinh tế nhằm phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên cơ sở thực hiện chính sách đầu tư có chọn lọc, ưu đãi, khuyến khích đầu tư các ngành công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, thu ngân sách lớn thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng, phấn đấu tỷ lệ sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao đạt 40-45% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2015. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể các khu, cụm công nghiệp cho phù hợp giai đoạn mới; bảo đảm diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa; có quỹ đất hợp lý để phát triển đô thị hiện đại. Hình thành các đô thị công nghiệp, khu đào tạo, nghiên cứu, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực phía bắc. Phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tài chính, ngân hàng, dịch vụ phát triển kinh doanh. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở khu vực truyền thống; quy hoạch và tổ chức sản xuất ở các khu vực làng nghề, đổi mới quản lý cụm công nghiệp nhằm bảo đảm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực làng nghề.
Ba là, tái cấu trúc về không gian kinh tế và đô thị, tạo bước đột phá về quy hoạch, xây dựng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí được Chính phủ quy định; xây dựng đô thị sáng, xanh, sạch đẹp và văn minh; chuyển dịch nền kinh tế để thích ứng với quá trình đô thị hóa, cộng hưởng hiệu ứng tích cực của vùng Thủ đô, nâng cao hiệu quả tụ hội đô thị. Hình thành chuỗi không gian kinh tế và đô thị, nâng cấp, hiện đại hóa, tạo chuyển biến đáng kể về sự đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối các vùng đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, khu vực trọng điểm về tăng trưởng; chuyển dịch đầu tư vào các huyện còn gặp nhiều khó khăn. Rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hoàn thành Đồ án Quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa chủ động, đúng hướng, tạo nguồn vốn và bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai của đô thị Bắc Ninh.
Bốn là, thực hiện tái cấu trúc đầu tư công, tăng cường thu hút, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các mục tiêu ưu tiên, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm như: cầu vượt sông Đuống, tỉnh lộ 282; đường sắt Yên Viên – Phả Lại, quốc lộ 38, tỉnh lộ 295B… đưa Bắc Ninh thành trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa. Đi đôi với các biện pháp huy động vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, quan tâm đến yếu tố hỗ trợ để tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao và cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở nhóm dẫn đầu, tạo môi trường thu hút đầu tư có chọn lọc và hiệu quả, tăng cường ảnh hưởng lan tỏa trong phát triển các khu công nghiệp và khu vực đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng khu “làng” đại học nhằm thu hút sinh viên và các nhà khoa học. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với trình độ phát triển của tỉnh công nghiệp; đồng thời chuẩn bị một bước để đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình tái cấu trúc, tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, như khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ thành điều kiện kỹ thuật để thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; đào tạo lao động; phát triển hạ tầng nông thôn… Các chính sách hướng các nỗ lực tái cấu trúc về kinh tế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()