Phát triển thẻ tín dụng nội địa bởi đây còn là thương hiệu quốc gia
Dù có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, đem lại nhiều lợi ích cho người dùng và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt nhưng quy mô thẻ tín dụng nội địa vẫn còn rất thấp. Do đó, cần có các giải pháp phù hợp khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa bởi ngoài lợi ích, thẻ tín dụng nội địa còn là thương hiệu quốc gia.
Thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam phát triển từ “không đến có“
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.
Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, những chính sách, quy định kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số. Từ đó, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá về tốc độ phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tín dụng nội địa có bước phát triển đáng kể. Ông Tuấn cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
“Có thể kể đến một số tiện ích như: Thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được bảo đảm. Từ đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Thứ hai, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng đã tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, danh mục, về dịch vụ mở rộng đối tượng khách hàng và hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Thứ ba, khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng.
Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết trong giai đoạn 2021-2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch không dùng tiền mặt và 31% về giá trị giao dịch không dùng tiền mặt. Thông qua số liệu trên cho thấy các giá trị nhỏ đã được sử dụng nhiều hơn thông qua giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử không dùng tiền mặt đã phổ cập, được nhiều người dân sử dụng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2022.
“Sau giai đoạn dịch COVID-19 phải giữ khoảng cách, thanh toán không tiếp xúc thì thanh toán qua QR Code và thanh toán bằng thẻ đã trở nên phổ biến hơn. Đồng thời hình thức thanh toán mua trước trả sau, thanh toán qua thẻ tín dụng cũng trở nên phổ cập. Internet và điện thoại thông minh phát triển đã thúc đẩy hình thức sử dụng điện thoại thanh toán ở Việt Nam.
Với dân số hơn 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển thẻ tín dụng nội địa. Trên thế giới có công nghệ và sản phẩm thanh toán nào thì ở Việt Nam cũng đã có. Sau giai đoạn dịch COVID-19, sự ứng dụng và đổi mới về công nghệ diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, hạ tầng thanh toán chưa đồng bộ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Giải pháp phát triển thẻ tín dụng nội địa
Hiện nay, trong 39 triệu thẻ tín dụng đang hoạt động có trên 800.000 thẻ tín dụng nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. Thực tế Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ nội địa.
Ở góc độ Vụ Thanh toán, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán đề xuất giải pháp như các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm… Ngoài ra, các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Tiếp đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank đánh giá thị trường Việt Nam tiềm năng, phân khúc khách hàng lớn. Tuy nhiên việc phát triển thẻ tín dụng nội địa chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng và còn hạn chế so với thẻ tín dụng quốc tế.
Để đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Phúc đề xuất cần đẩy mạnh một số giải pháp sau:
Thứ nhất, công tác truyền thông, tuyên truyền trong xã hội về sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được đẩy mạnh. Trong đó tập trung những ưu điểm, tính năng vượt trội, phương thức thanh toán an toàn bảo mật… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về sự phối hợp của khách hàng trong hạn chế rủi ro, bảo mật thanh toán điện tử nói chung, thanh toán thẻ nói riêng. Qua đó, tạo được niềm tin và sự an tâm của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Thứ hai, cần có sự phối hợp giữa NAPAS và các bộ, ngành Trung ương trong việc mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ nội địa, tạo hệ sinh thái thanh toán thẻ, gia tăng tính năng, tiện ích cho khách hàng sử dụng cũng như góp phần số hóa dịch vụ công như giáo dục, y tế…
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành cần có hệ thống thông tin cá nhân điện tử đầy đủ, chính xác, được cập nhật liên tục, qua đó các tổ chức phát hành thẻ có thể dễ dàng và thuận tiện trong việc truy cập, lấy thông tin để đánh giá và cấp tín dụng cho khách hàng.
Thứ tư, luật hoá hoạt động thanh toán thẻ bằng cách bắt buộc tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải chấp nhận thanh toán thẻ. Áp dụng chính sách khấu trừ thuế đối với các khoản chi tiêu thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Để phát triển thẻ tín dụng nội địa, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn có sự phối hợp với các đơn vị phát hành thẻ, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là người sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường lành mạnh là phải hoàn thiện hành lang pháp lý.
“Thời gian tới, NHNN cần có các giải pháp phù hợp khuyến khích người dân có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Bởi ngoài lợi ích, thẻ tín dụng nội địa còn là thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, cần có sự liên kết để trong tương lai người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa được cả trong và ngoài nước.
Đồng thời, hiện nay thẻ tín dụng mới chỉ phát triển mạnh ở thành thị nhưng chưa phổ biến ở thị trường nông thôn. Vì vậy cần hướng đến việc phổ cập kiến thức tài chính, cơ chế cho sâu rộng người dân”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị NHNN mạnh dạn nghiên cứu một hướng mới: “Việc phát hành thẻ tín dụng nội địa có chi phí rất cao, nên người sử dụng thẻ tín dụng nội địa thông thường đang phải chịu mức lãi suất rất cao. Nên mạnh dạn nghĩ đến một hướng mới để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa trong nước. Đồng thời, chấp nhận ưu đãi cho người sử dụng thẻ nếu như khách hàng sẵn sàng mở thẻ.
Thực tế, nếu giải quyết bộ hồ sơ cho vay cá nhân để tiêu dùng sẽ tốn chi phí để tiếp cận, giải quyết thẩm định hồ sơ. Hiện nay với việc phát hành thẻ tín dụng nội địa và ứng dụng mới như hiện này thì hoàn toàn có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta không cố gắng khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa bằng cách sử dụng công cụ lãi suất, trong đó công cụ lãi suất cho vay ưu đãi”, ông Tuấn Anh lý giải.
Ý kiến ()