Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế: Vẫn khó tiếp cận tới người dân
– Nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế, ngày 24/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, các cơ sở y tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Những ngày giữa tháng 1/2023, chúng tôi có dịp đến Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc. Từ rất sớm, người dân đã có mặt để khám chữa bệnh và thanh toán viện phí. Tại quầy thu viện phí chật kín người, ai ai cũng tất bật chuẩn bị giấy tờ, thủ tục mong tới lượt để được thanh toán và ra về. Đông như vậy nhưng không có người dân nào lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc hướng dẫn người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Bà Hoàng Thị Mai, thôn Tẩu Lìn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc cho biết: Mỗi lần đưa con ra Trung tâm Y tế huyện để khám, tôi đều chuẩn bị khá nhiều tiền để tiện xoay xở. Do chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh nên hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với tôi còn rất xa lạ. Hơn nữa, thấy mọi người không ai sử dụng nên tôi cũng lựa chọn thanh toán tiền mặt dù có phải xếp hàng để được thanh toán viện phí.
Bác sỹ Chu Đình Quế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã trang bị 1 máy POS (máy quẹt thẻ thanh toán) và 2 mã QRcode (mã phản hồi nhanh) tại quầy thu viện phí để tiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thanh toán điện tử. Đồng thời, trang bị hệ thống wifi riêng của bệnh viện để người dân giao dịch thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, chỉ có 26 khách hàng phát sinh giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng với số tiền 74 triệu đồng.
Còn Trung tâm Y tế huyện Bình Gia cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Từ năm 2022 đến nay, chỉ có 2 khách hàng phát sinh giao dịch qua tài khoản ngân hàng với số tiền 11,2 triệu đồng. Bác sỹ Lâm Văn Thưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Gia cho biết: Bình Gia là huyện nghèo còn nhiều khó khăn của tỉnh, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện hiện vẫn gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân tới khám chữa bệnh đều chưa có thẻ ATM và tài khoản ngân hàng. Hiện nay, chúng tôi đã trang bị 1 máy POS và 2 mã QRcode tại quầy thu viện phí và quầy cấp phát thuốc của bệnh viện để người dân tiếp cận dần với hình thức thanh toán điện tử.
Không chỉ địa bàn huyện Cao Lộc và Bình Gia, thời gian qua, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, toàn bộ 15 cơ sở khám chữa bệnh công lập thuộc Sở Y tế, trong đó, 11 trung tâm y tế huyện, thành phố và 4 bệnh viện tuyến tỉnh đều đã phối hợp với ngân hàng thương mại để triển khai lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ và mã QR code thanh toán. Đến nay, tỷ lệ thanh toán viện phí qua hệ thống ngân hàng mới chỉ chiếm 23,1% tổng chi phí khám chữa bệnh.
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chính là do người dân chưa thực sự “mặn mà” với hình thức thanh toán này, đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng phương thức thanh toán truyền thống, ngay cả đối tượng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thuộc thế hệ trẻ vẫn có xu hướng thanh toán bằng tiền mặt. Vì vậy, để dần thay đổi thói quen của người dân cần sự vào cuộc không chỉ của ngành y tế mà còn của các ngân hàng thương mại cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội trong việc tuyên truyền để người dân hiểu được việc thanh toán điện tử mang lại rất nhiều lợi ích cho cả bệnh viện và người dân. Khi thanh toán điện tử, người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát). Đối với bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm chi phí, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; rút ngắn quy trình khám chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới thực hiện bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ…
Thời gian tới, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện thanh toán các dịch vụ y tế bằng phương thức không dùng tiền mặt. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ sở y tế.
Có thể thấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là yêu cầu cấp thiết được đặt ra với ngành y tế. Bởi việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt không chỉ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh khi dùng tiền mặt cho người bệnh, đồng thời bệnh viện dễ dàng quản lý thông tin bệnh nhân, số tiền viện phí. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần thực sự vào cuộc để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh.
Ý kiến ()