Phát triển sản xuất trên núi đá: Đất cằn sinh trái ngọt
Đàn dê gần trăm con ở khu vực núi đá thôn An Chi, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc của ông Tăng Tống Khìn
Vách đá trơn tuột, ông trồng mận vào những hốc đất bé xíu, ngày đầu trồng đến đâu, mưa xói hết đến đấy. Rồi cái khó, ló cái khôn, Tăng Tống Khìn rút kinh nghiệm đào rộng thêm hốc đất trên núi đá rồi lèn chặt gốc mận, che chắn cẩn thận. Ấy thế mà mận cũng lên, lớn nhanh là đằng khác. Dăm năm sau vụ mận đầu tiên cho thu hoạch. Ngót 60 tuổi mà nghĩ lại ngày ấy, mắt ông vẫn đỏ hoe: vụ thu hoạch đầu tiên cả nhà tôi gánh gồng từ núi xuống đường để bán, thấy ngon nên người mua đông lắm, vụ ấy kiếm được vài triệu, cả đời tôi đã cầm số tiền lớn thế bao giờ đâu. Thu nhập đầu tiên từ những gánh mận núi đá đã tiếp thêm sức lực cho Tăng Tống Khìn, ông tiếp tục khai phá dãy núi bao quanh Lùng Sláy. Rồi trồng rau bồ khai, trồng cam, trồng mít, nuôi dê; ông làm việc nhiều đến nỗi chẳng có thời gian nghỉ. Vợ ông kể: ông nhà tôi nghiện thuốc lá nặng, mỗi lần hút thuốc lại ngồi lỳ một chỗ, ông bảo như thế thì mất thời gian lắm, thế là bỏ hẳn. Đá chẳng phụ công người, vụ sau gia đình ông lại thu nhập cao hơn vụ trước. Vài ha núi đá khô cằn ngày trước, nay đã nom y như trang trại tổng hợp, có cả trồng trọt, cả chăn nuôi.
Giờ thì chẳng bao giờ gia đình ông phải lo thiếu ăn, đá đã nuôi cả đàn con ông trưởng thành, đi làm ổn định. Còn bản thân Tăng Tống Khìn, năm xưa không một tấc đất cắm dùi nay đã trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chẳng những của xã, của huyện mà còn là tiêu biểu của tỉnh. Vài chục năm trước, nhìn dãy núi đá trơ trọi ven quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn huyện Chi Lăng nào ai dám nghĩ nơi đây sẽ trở thành vùng trồng cây ăn quả nức tiếng trong cả nước. Thập niên 80 của thế kỷ trước, những người Hà Tây (Hà Nội ngày nay) đi xây dựng kinh tế mới và họ mang cây na dai đến đất Chi Lăng. Từ vài hộ trồng, rồi na bắt đầu trải dọc bên triền núi đá từ thị trấn Đồng Mỏ đến qua xã Chi Lăng, thậm chí na len cả vào vùng núi đá từ xã Thượng Cường đến Vạn Linh. Đến bây giờ diện tích na ở Chi Lăng lên đến trên 1.100ha, doanh thu đến hàng chục tỷ đồng mỗi vụ. Trên vùng đất này, nhiều hộ nông dân đã làm giàu từ cây na.
Làm giàu trên núi đá cũng không thể không nhắc đến vùng quýt Bắc Sơn. Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, quýt từ dãy núi đá Nhất Hòa đã xuất khẩu sang Liên Xô, vườn quýt Ta Noi nổi tiếng bấy giờ xuất khẩu một vụ trị giá trên chục cây vàng. Còn ngày nay, vườn quýt của lão nông Dương Hữu Lên cũng ở Nhất Hòa vẫn nức tiếng khắp vùng với thu nhập vài trăm triệu đồng/mùa quýt. Từ Nhất Hòa, quýt đã vào đến vùng khó khăn Nhất Tiến rồi lan ra Hưng Vũ, xã Bắc Sơn.
Diện tích đồi núi chiếm trên 3/4 tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trong đó núi đá kéo dài từ Bắc Sơn qua Bình Gia tới Văn Quan, Cao Lộc; ở mạn Văn Lãng, Tràng Định, rồi khu vực Chi Lăng, Hữu Lũng. Từ những nơi ấy, nhà nông Xứ Lạng đã và đang tìm tòi thêm những biện pháp canh tác mới, ươm mầm xanh phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên vùng núi đá.
Vũ Như Phong
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()