LSO-Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân là nội dung trọng yếu của xây dựng nông thôn mới, có tính chất quyết định đến hầu hết các tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Nói cách khác, phát triển sản xuất vừa là động lực vừa là mục tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh tham quan mô hình trồng cà chua bi xuất khẩu tại xã Tân Thịnh (Lạng Giang- Bắc Giang)Một trong những thuận lợi cơ bản của Lạng Sơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là chúng ta có điều kiện để học tập kinh nghiệm của các địa phương đi trước. Nhìn vào kinh nghiệm của những điểm đã thành công, thì việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân được thực hiện một cách đồng bộ và có sự gắn kết chặt chẽ của 4 nhà là nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đóng vai trò quyết định. Để thúc đẩy sản xuất,...
LSO-Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân là nội dung trọng yếu của xây dựng nông thôn mới, có tính chất quyết định đến hầu hết các tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Nói cách khác, phát triển sản xuất vừa là động lực vừa là mục tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
|
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh tham quan mô hình trồng cà chua bi xuất khẩu tại xã Tân Thịnh (Lạng Giang- Bắc Giang) |
Một trong những thuận lợi cơ bản của Lạng Sơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là chúng ta có điều kiện để học tập kinh nghiệm của các địa phương đi trước. Nhìn vào kinh nghiệm của những điểm đã thành công, thì việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân được thực hiện một cách đồng bộ và có sự gắn kết chặt chẽ của 4 nhà là nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đóng vai trò quyết định. Để thúc đẩy sản xuất, xã Tân Thịnh huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (Một trong 11 xã của cả nước thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng) đã phân tích một cách cặn kẽ điều kiện của địa phương mình và quyết định phối hợp cùng với các đơn vị khoa học, doanh nghiệp, một mặt đưa các mô hình sản xuất thuốc lá, cà chua bi xuất khẩu vào sản xuất, mặt khác áp dụng chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Như vậy sản xuất nông nghiệp được thúc đẩy song hành với phát triển ngành nghề công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hướng đi này đã phát huy hiệu quả cao độ, thu nhập trung bình của toàn xã đã cao hơn thu nhập bình quân của toàn tỉnh 1,4 lần, vượt mục tiêu đề ra.
Những bước phát triển sản xuất đó đều không có gì lạ lẫm đối với Lạng Sơn. Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Thuốc lá ta cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung, cà chua trái vụ cũng đang được áp dụng, thậm chí có những thứ Lạng Sơn còn đang là thế mạnh như các vùng cây ăn quả đặc sản na dai Chi Lăng; quýt Tràng Định, Bắc Sơn; hồng Cao Lộc, Văn Lãng…Nhưng có một điều mà Lạng Sơn chưa đạt được là liên kết giữa các nhà để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh đó. Một ví dụ rất cụ thể là trong những năm gần đây giá trị và nhu cầu về thuốc lá đang tăng cao, nhiều vùng ở Lạng Sơn đã nhanh chóng nắm bắt và phát triển loại cây này, nhưng trên thực tế không ít lần người nông dân đã phải nếm “trái đắng” vì giá cả lên xuống thất thường. Một điều rất đơn giản là hợp đồng tiêu thụ chưa được tuân thủ, lỗi từ cả phía nông dân, cả doanh nghiệp lẫn cả nhà quản lý. Được giá thì tranh mua, tranh bán, đến vụ sau không còn hợp đồng thì bất ngờ giá thị trường “xuống dốc không phanh”. Cũng tình trạng trên mà rất nhiều các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bị bẻ gẫy như ớt xuất khẩu, gừng xuất khẩu…
Thành phố Lạng Sơn, nơi mà theo quy hoạch là vùng chuyên canh về rau an toàn thì 3-4 năm trở lại đây cũng mới chỉ phát triển được khoảng 5ha, trong khi đó cũng chưa thể điều tiết được sản lượng, dẫn tới tình trạng khi thì không có hàng để bán, lúc thì tiêu thụ ồ ạt, giá cả vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Na dai ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, có vụ cho doanh thu tới trên 20 tỷ đồng, nhưng phải thừa nhận là doanh thu này chưa tương xứng, bởi nếu có công nghệ bảo quản thì giá trị của sản phẩm này còn cao hơn rất nhiều. Đó là còn chưa kể đến nguy cơ na bị sâu bệnh, thoái hóa đang cận kề giống như hồng Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn…Mới đây, mặc dù đã rất nỗ lực để đưa khoai tây giống mới vào sản xuất, nhưng việc phối hợp triển khai giữa ngành khoa học với địa phương chưa đồng bộ đưa nông dân vào thế bị động nên hiệu quả không cao, cụ thể là Lộc Bình, một trong những “vựa khoai tây” của tỉnh, tỷ lệ giống mới rất thấp…Đó chỉ là một số ví dụ cụ thể cho thấy chỉ riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Lạng Sơn còn rất nhiều hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời qua phát triển sản xuất nông nghiệp luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành. Đặc biệt là quy hoạch phát triển nông nghiệp Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020 đã hướng tới các khu công nghệ cao, chú trọng hình thành vùng nông lâm sản đặc sản của tỉnh gắn liền với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong đó thế mạnh về lâm nghiệp được đặc biệt quan tâm và thực tế, kinh tế rừng những năm qua đã dần trở thành ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh. Qua kinh nghiệm của các địa phương đi trước, phát triển sản xuất là một trong những nội dung rất khó thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng với những tiềm năng, thế mạnh của mình, Lạng Sơn đã và đang có một nền tảng vững chắc để phát triển sản xuất. Tuy nhiên trong đó người nông dân với vai trò chủ thể phải thực sự chủ động, năng động trong phát triển kinh tế và nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” để cho mối liên kết giữa các nhà còn lại bền chặt và hiệu quả hơn.
Lê Minh
Ý kiến ()