Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Yên Ðịnh Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Về xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa, nơi có 98% dân số làm nông nghiệp, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Nhặt cho biết: Để có quỹ đất tập trung, Định Tiến đi tiên phong trong vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, quy hoạch đồng điền, tăng cường đầu tư kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng.Xã phối hợp chặt chẽ với các Công ty giống cây trồng T.Ư, địa phương đẩy mạnh chuyển giao quy trình sản xuất lúa lai F1, các giống hoa màu nguyên chủng cho nông dân trên địa bàn xã. Đến nay, bình quân mỗi hộ nông dân Định Tiến sở hữu hơn một thửa ruộng; thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch. Từ cán bộ xã đến mỗi người dân đều nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, tri thức nên hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất lúa lai, các loại giống thuần, xây dựng vùng sản xuất giống cây trồng trên quy mô toàn xã. Qua so sánh giá trị mỗi kg lúa giống gấp 2,8 đến 3 lần thóc thịt nên bình quân thu...
Xã phối hợp chặt chẽ với các Công ty giống cây trồng T.Ư, địa phương đẩy mạnh chuyển giao quy trình sản xuất lúa lai F1, các giống hoa màu nguyên chủng cho nông dân trên địa bàn xã. Đến nay, bình quân mỗi hộ nông dân Định Tiến sở hữu hơn một thửa ruộng; thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất, vận chuyển, thu hoạch. Từ cán bộ xã đến mỗi người dân đều nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, tri thức nên hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất lúa lai, các loại giống thuần, xây dựng vùng sản xuất giống cây trồng trên quy mô toàn xã. Qua so sánh giá trị mỗi kg lúa giống gấp 2,8 đến 3 lần thóc thịt nên bình quân thu nhập trên mỗi ha canh tác ở Định Tiến đạt 70 triệu đồng/năm. Với mức lương thực 980 kg, thu nhập 9,8 triệu đồng/người/năm xã không còn lo cảnh thiếu lương thực vào tháng ba, ngày tám, giảm hộ nghèo xuống còn 8% và người nông dân đang hướng tới mục tiêu làm giàu trên đất lúa, mở mang ngành nghề, thu hút lao động đi làm ăn xa trở về làm việc tại quê nhà.
Đến xã Định Tường, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Sĩ Trung cho chúng tôi biết thêm: Sản xuất lúa lai F1 rủi ro cao, chi phí sản xuất lớn cho nên HTX cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm làm ra cho nông dân, tổ chức điều hành tưới tiêu, bảo vệ thực vật, đồng thời xây dựng quỹ phòng, chống rủi ro, bảo hiểm việc làm. Từ lợi nhuận trong kinh doanh, tổ chức các hoạt động dịch vụ, hằng năm HTX trích 40% đầu tư phát triển sản xuất, 20% xây dựng quỹ phòng, chống rủi ro. Năm 2008 do thời tiết không thuận lợi, năng suất đạt thấp nhưng HTX vẫn thanh toán cho nông dân theo năng suất, mức giá thỏa thuận và đã bù lỗ cho các hộ tham gia sản xuất lúa giống 700 triệu đồng. Ngoài ra, trong số 20 cán bộ, kỹ sư HTX, một số người có thâm niên công tác gần 30 năm nhưng mãi đến năm 2003 mới được tham gia bảo hiểm xã hội. HTX trích 10% từ lợi nhuận hằng năm để gây dựng quỹ bảo hiểm việc làm, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thành viên HTX yên tâm làm việc. Tất nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho nông dân, người lao động, HTX phải sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Riêng sản xuất lúa lai F1 phải đạt năng suất 1,6 tấn/ha, đây cũng là mức trần HTX bảo hộ, cam kết trách nhiệm với nông dân. Vì vậy, HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tường đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nhất là quy trình công nghệ sản xuất giống cây trồng cho nông dân, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ thực vật. Nông dân địa phương cũng năng động nhập cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhân rộng mô hình sản xuất giỏi. Năm 2010, bình quân thu nhập trên một ha canh tác ở Định Tường đạt 86 triệu đồng. Nhiều xã viên HTX còn năng động, đi tiên phong trong học tập, phát triển ngành nghề vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh nghề nứa cuốn sơn mài, mây giang xiên thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, gần đây có thêm cơ sở may công nghiệp được xây dựng, đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 110 lao động, trong đó có tới 40% lao động từng đi làm ăn xa trở về làm việc tại xã nhà.
Xây dựng nông thôn mới
Nằm trong vùng trọng điểm lúa của tỉnh Thanh Hóa, phát triển toàn diện nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới luôn là vấn đề trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Định. Nhằm nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính, từ năm 1999 huyện Yên Định thí điểm sản xuất lúa lai F1 trên quy mô 5 ha ở xã Định Tường rồi dần nhân rộng mô hình sản xuất lúa lai F1 đạt tiêu chuẩn quốc gia trên địa bàn các xã Định Tường, Định Tiến, Định Tân, Định Hưng; tổ chức sản xuất lúa, ngô, đậu nguyên chủng, thuần chủng ở chín xã cung ứng cho nhân dân gieo cấy đại trà trên địa bàn 29 xã, thị trấn. Đến nay các loại giống lúa lai được nông dân đưa vào gieo cấy 65-70% diện tích vụ xuân, 35-40% diện tích vụ mùa, góp phần tăng năng suất lúa từ 10 tấn/ha lên 13,22 tấn/ha. Mặt khác, nông dân các địa phương năng động lựa chọn, du nhập đưa vào gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như đậu tương, dâu tằm, mía, dưa chuột, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Yên Định đã tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng sở hữu ruộng đất manh mún, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Hiện bình quân mỗi nông hộ chỉ sở hữu 1,6 thửa ruộng và toàn huyện đã thực hiện cơ giới hóa được 70% khâu làm đất, vận chuyển vật tư, nông sản; 25% khâu thu hoạch. Ngoài 550 ha chuyên sản xuất lúa lai, ngô lai F1, hơn 2.500 ha đậu tương, trên địa bàn huyện định hình vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, quy mô 5.375 ha. Giá trị thu nhập bình quân đạt 76,8 triệu đồng/ha canh tác.
Được sự giúp đỡ của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Yên Định xây dựng thành công mô hình chăn nuôi công nghiệp ở xã Quý Lộc rồi nhân ra diện rộng. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện mạnh dạn chuyển 300 ha đất trũng cho thu nhập bấp bênh sang xây dựng mô hình lúa cá, nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 1.000 ha. Đến nay toàn huyện có 679 trang trại, trong đó có 401 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh nên bên cạnh nghề chăn nuôi tại gia tiếp tục duy trì, phát triển, trên địa bàn huyện hình thành chín trang trại chăn nuôi lợn ngoại tập trung và 11 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, góp phần nâng tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp lên 43,58%. Một số địa phương đang khảo nghiệm nuôi nhím, ba ba để chuyển đổi cơ cấu con nuôi trong nông hộ và các trang trại.
Kinh tế phát triển, huyện Yên Định có điều kiện huy động hiệu quả mọi nguồn lực tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2000-2010 đạt 2.453 tỷ đồng, trong đó nông dân đóng góp 66%. Đến nay 100% đường giao thông liên xã đã trải nhựa, 92,3% đường làng, ngõ xóm bê-tông hóa. Hầu hết các xã, thị trấn xây dựng được công sở cao tầng, trung tâm học tập cộng đồng, trường học khang trang, 93,4% thôn có nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Qua bình xét, 16.487 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 82% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 612 khu dân cư tiên tiến. Nét nổi bật là cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương luôn quan tâm hỗ trợ người nghèo tổ chức sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo. 10 năm qua huyện Yên Định đã huy động 4 tỷ 853 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 615 căn nhà, sửa chữa 731 nhà ở đồng thời hỗ trợ 700 triệu đồng giúp 1.246 hộ nghèo cải thiện cuộc sống. Do vậy, năm 2005 huyện được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen 'Đơn vị xóa xong nhà tranh tre, dột nát cho hộ nghèo'. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thịt, thay da, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ rệt.
Tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thắt chặt mối liên kết 'bốn nhà', quan tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhân cấy thêm nghề mới trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là cơ sở, tiền đề để Yên Định thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động xã hội, phấn đấu đến năm 2015 có 25% xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()