Phát triển sản xuất: Khi các hợp tác xã liên kết
LSO- Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã khắc phục được những nhược điểm của sản xuất nông hộ. Thế nhưng nếu các HTX chỉ đứng riêng lẻ thì cũng rất khó để sản xuất hiệu quả. Liên kết, tương hỗ nhau trong quá trình sản xuất là câu chuyện điển hình của HTX Nông nghiệp An Sơn (thành phố Lạng Sơn) và HTX Hợp Thịnh (Cao Lộc).
Thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn có thế mạnh về đất đồi rừng. Để phát huy lợi thế này, năm 2011, HTX Nông nghiệp An Sơn ra đời với sự liên kết của hơn 10 thành viên. Hoạt động chính của HTX là trồng thông và cây ăn quả, tập trung vào cây dẻ.
Thế nhưng do khó khăn về vốn, nên đến năm 2013, HTX mới có thể đi vào hoạt động. Vừa tập trung vào đồi rừng, HTX mở rộng sang sản xuất miến. Tuy nhiên, mô hình sản xuất mới này sớm thất bại, bởi xa vùng nguyên liệu, sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Sơn chăm sóc cà gai leo dưới tán cây ăn quả
Thời điểm này, thông trên rừng mới cho chút nhựa, dẻ cũng chỉ bán lẻ quanh thị trường trong tỉnh. Sản xuất của HTX nông nghiệp An Sơn dường như rơi vào bế tắc.
Cùng lúc đó, HTX Hợp Thịnh (Cao Lộc) vốn đang ổn định với trang trại chăn nuôi lợn nái lại đang trăn trở với việc “lấn sân” sang trồng cây dược liệu.
Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX Hợp Thịnh chia sẻ: Chúng tôi có thị trường đặt hàng cây dược liệu (cây cà gai leo), có năng lực sơ chế sản phẩm, có nguồn phân bón tốt từ chăn nuôi… thế nhưng lại thiếu đất để sản xuất.
Một An Sơn thừa đất sản xuất đang loay hoay tìm hướng đi mới gặp Hợp Thịnh có nhiều kinh nghiệm về thị trường và đang sẵn có mô hình đầy tiềm năng. Hai HTX nhanh chóng bắt tay liên kết, vừa bổ khuyết cho nhau, vừa tận dụng hết được các nguồn lực của cả hai bên.
Ông Chu Đức Khôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Sơn bộc bạch: Từ ý tưởng liên kết, đầu năm 2016, chúng tôi đi tham quan học tập tại Hòa Bình về các mô hình trồng cà gai leo. Những mô hình thực tế cho thấy hiệu quả mang lại rất cao, sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu.
Tháng 7/2014, HTX Nông nghiệp An Sơn và HTX Hợp Thịnh cụ thể hóa liên kết bằng 5 vạn cây cà gai leo trồng dưới tán rừng. Theo hợp đồng được ký kết, HTX Hợp Thịnh sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của An Sơn với giá 6.000 đồng/kg.
Ông Chu Đức Khôi tính nhẩm: Trồng cà gai leo dưới tán rừng, mỗi năm chúng tôi tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng tiền thuê nhân công phát dọn thực bì, chăm bón cây ăn quả; đầu tháng 10 này, chúng tôi sẽ xuất bán lứa đầu tiên, đà phát triển này, năng suất dự kiến 7 tấn tươi/ha.
Theo quy trình, mỗi năm cà gai leo sẽ cho thu hoạch làm 2 đợt, như vậy, năng suất bình quân cả năm sẽ đạt khoảng 14 tấn/ha/năm. Với giá thu mua của Hợp Thịnh, An Sơn sẽ có doanh thu hơn 80 triệu đồng/ha/năm từ cà gai leo. Trong những ngày đầu tháng 8 này, HTX An Sơn đã đầu tư thêm 5 vạn cây giống nữa, phủ kín 3 ha dưới tán cây ăn quả.
Giám đốc HTX Hợp Thịnh khẳng định: Kế hoạch liên kết của chúng tôi là hình thành vùng nguyên liệu với 12 vạn cây cà gai leo, một phần HTX sẽ chế biến, đóng gói để tiêu thụ trong tỉnh; phần khác đáp ứng đơn đặt hàng của các công ty sản xuất trà dược liệu.
Mối liên kết giữa hai HTX đã mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng trên địa bàn tỉnh. Hướng đi này là bền vững bởi các HTX không phát triển mô hình một cách tự phát, mà việc phát triển có sự tính toán, quy hoạch một cách kỹ lưỡng và được bảo đảm bằng các hợp đồng kinh tế, các đơn đặt hàng.
Điều quan trọng hơn là mối liên kết này sẽ tạo tiền đề các mối liên kết tiếp theo, không chỉ dừng lại ở phạm vi hai HTX, mà sẽ có xu hướng mở rộng ra nhiều HTX. Từ đó tạo ra mối quan hệ tương hỗ, cùng nhau phát triển.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()