LSO- Với 1ha thực hiện thí điểm mô hình nông lâm kết hợp, gia đình anh Hoàng Văn Thượng, thôn Khuôn Áng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng có thu nhập tới 40 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập quan trọng để gia đình “lấy ngắn, nuôi dài” đầu tư vào những khu rừng giá trị cao.Với tiềm năng về đất lâm nghiệp, kinh tế rừng luôn được xác định là thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên kinh tế lâm nghiệp cũng có khó khăn là chu kỳ kinh doanh dài, nếu trồng rừng nguyên liệu cao sản cũng mất hơn 6 năm, còn đối với những loại rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao, nhưng chu kỳ lên tới 20-25 năm. Với những chu kỳ kinh doanh dài như vậy, mô hình nông lâm kết hợp với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xét về diện tích đất đồi rừng, gia đình anh Hoàng Văn Thượng, thôn Khuôn Áng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng là một trong những gia đình nhiều đất. Thế nhưng trong suốt những năm qua, gia đình anh vẫn...
LSO- Với 1ha thực hiện thí điểm mô hình nông lâm kết hợp, gia đình anh Hoàng Văn Thượng, thôn Khuôn Áng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng có thu nhập tới 40 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập quan trọng để gia đình “lấy ngắn, nuôi dài” đầu tư vào những khu rừng giá trị cao.
Với tiềm năng về đất lâm nghiệp, kinh tế rừng luôn được xác định là thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên kinh tế lâm nghiệp cũng có khó khăn là chu kỳ kinh doanh dài, nếu trồng rừng nguyên liệu cao sản cũng mất hơn 6 năm, còn đối với những loại rừng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao, nhưng chu kỳ lên tới 20-25 năm. Với những chu kỳ kinh doanh dài như vậy, mô hình nông lâm kết hợp với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xét về diện tích đất đồi rừng, gia đình anh Hoàng Văn Thượng, thôn Khuôn Áng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng là một trong những gia đình nhiều đất. Thế nhưng trong suốt những năm qua, gia đình anh vẫn loay hoay với nhiều hướng phát triển khác nhau mà hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa cao. Từ khi được tiếp cận với những kiến thức về mô hình nông lâm kết hợp và được sự giúp đỡ về chuyên môn của cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện, hướng phát triển kinh tế mới đã mở ra với gia đình anh. Anh Thượng cho biết: Gia đình thực hiện thí điểm 1 ha theo mô hình nông lâm kết hợp theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, một mặt trồng rừng nguyên liệu là keo lai, mặt khác dưới tán rừng non, gia đình trồng các loại cây nông nghiệp, không bỏ sót diện tích nào. Trên đỉnh đồi, gia đình anh trồng xen 2 vụ ngô lai và đỗ tương, ở sườn dốc trồng sắn và phía chân đồi trồng gừng. Bố trí cây trồng hợp lý, canh tác đúng kỹ thuật, chỉ tính riêng cây ngô, vụ vừa qua, gia đình anh Thượng đã thu được trên 4 tấn. Theo ước tính của anh, trong vòng 2 năm đầu, khi rừng chưa khép tán các sản phẩm nông nghiệp sẽ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Đây là con số rất có ý nghĩa, bởi nếu là đất ruộng, để đạt được thu nhập này người dân cũng phải canh tác liên tục 3 vụ/năm với điều kiện thủy lợi và thời tiết thuận lợi kết hợp với nhiều yếu tố khác. Các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục là nguồn thu nhập chính đến vài năm sau, đến khi rừng nguyên liệu bắt đầu cho khai thác.
Ớt – Một trong những cây trồng có giá trị được áp dụng trong mô hình nông – lâm kết hợp
Kỹ sư Lâm nghiệp Hà Thị Thủy, Phó Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Trong những năm qua các hoạt động đầu tư cho phát triển rừng kinh tế đã mở ra hướng đi mới cho người dân, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn như nguồn vốn không ổn định, luôn thiếu và chưa kịp thời. Nhằm hỗ trợ người dân sử dụng đất hiệu quả, thay đổi phương thức canh tác, ngăn chặn tình trạng canh tác nương rẫy, hình thành các vùng rừng kinh tế giá trị cao, Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng đã triển khai đề tài khoa học chuyển đổi canh tác nương rẫy truyền thống sang mô hình nông lâm kết hợp. Tuy mới triển khai từ tháng 8/2010, nhưng cho đến nay nhưng mô hình trình diễn đã đạt được kết quả rất khả quan, điển hình là mô hình nông lâm kết hợp của gia đình anh Thượng.
Vẫn biết rằng “lấy ngắn nuôi dài” là giải pháp hữu hiệu giải quyết bài toán chu kỳ dài trong phát triển rừng, đặc biệt là với những khu rừng trồng cây gỗ lớn. Nhưng với trình độ và tập quán canh tác còn hạn chế của người dân, nếu không có những nghiên cứu khoa học để đánh giá, khuyến cáo và hướng dẫn người dân thực hiện thì rất khó đạt được hiệu quả cao. Thành công bước đầu của mô hình nông lâm kết hợp ở Chi Lăng đã mở ra cho nhân dân địa phương hướng phát triển kinh tế cao từ đất rừng. Nếu như trồng trọt trong nông nghiệp có cánh đồng giá trị cao, thì nông lâm kết hợp sẽ tạo nền tảng để đầu tư cho những khu rừng giá trị cao. Phát triển sản xuất, khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh từ rừng sẽ là động lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Vũ Lê Minh
Ý kiến ()