Phát triển sản xuất gắn với sản phẩm chủ lực
Vườn quýt đặc sản ở xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn |
Cách đây hơn 2 năm, trong cuộc kiểm tra xây dựng nông thôn mới tại xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu câu hỏi với Ban quản lý xã: định hướng phát triển sản xuất của xã là gì, đâu là sản phẩm chủ lực? Đáp lại câu hỏi của đồng chí Phó Chủ tịch UBDN tỉnh là sự lúng túng, có ý kiến rụt rè: sản xuất ở đây chủ yếu là lúa và ngô.
Đối với xã miền núi như Chi Lăng mà tập trung vào ngô với lúa thì cũng chỉ đủ ăn, nhưng thực chất lúc bấy giờ xã cũng chưa định hình được đâu là sản phẩm chủ lực của mình. Bởi vậy mà một số chương trình hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trước đó, Chi Lăng triển khai không mấy hiệu quả. Không chỉ riêng xã Chi Lăng, huyện Tràng Định mà rất nhiều xã trên địa bàn tỉnh lúng túng trong việc định hướng phát triển sản xuất thế nào, tập trung ra sao… Điều này một phần bắt nguồn từ nguyên nhân xây dựng quy hoạch ồ ạt, hầu hết các xã phó mặc cho các đơn vị tư vấn. Mặt khác các quy hoạch lúc bấy giờ quá tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi vậy mà khi bắt tay vào triển khai thực hiện có nhiều lúng túng trong phát triển sản xuất.
Trường hợp ở Cao Lộc năm trước là ví dụ điển hình. Hồng Bảo Lâm mặc dù có giá, khẳng định được thương hiệu nhưng lại đang đối mặt với sâu bệnh, thoái hóa; cây mận hàng năm cho giá trị kinh tế cao, nhưng diện tích lại bị thu hẹp; các nông sản khác như rau màu… khó khăn trong tiêu thụ, rất nhiều sản phẩm chủ lực đang chờ được phục tráng, mở rộng thì nhiều xã lại đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại Hưng Yên. Năm 2013, sau khi học tập, các xã Cao Lâu, Gia Cát, Hải Yến sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình nông thôn mới để trồng chuối tiêu hồng, cam đường. Những loại cây không hợp đất đã thất bại, còn cây chủ lực thì không phát triển được thêm. Ngày 2/7/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó xác định mục tiêu cụ thể giai đoạn từ nay đến năm 2020 xây dựng và hình thành 19 vùng cây nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, phân theo vùng và có sự liên kết vùng, tạo ra các vùng sản xuất tập trung có quy mô hợp lý. Những vùng nguyên liệu này được chia thành các nhóm như: nhóm cây nguyên liệu phục vụ ngành chế biến nông sản là lúa, ngô chất lượng cao, rau đặc sản các loại, khoai tây, đậu tương, lạc, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng…; nhóm cây nguyên liệu phục vụ ngành chế biến lâm sản như thông, keo, bạch đàn, tre, mai, vầu, nứa; vùng chè Đình Lập; vùng thuốc lá; vùng thạch đen và vùng cây dược liệu. Ông Hoàng Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc bộc bạch: thất bại trong triển khai mô hình sản xuất chương trình nông thôn mới năm trước là bài học đắt giá. Hiện tại huyện đang chỉ đạo các cơ sở tập trung vào các sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Trong đó quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu là định hướng rất quan trọng. Vùng cây nguyên liệu của Cao Lộc được định hướng theo quy hoạch là vùng rau, xác định tại 16 xã, thị trấn; vùng khoai tây xác định trên địa bàn 11 xã; vùng hồng không hạt trên địa bàn 6 xã… Các chương trình trong dự thảo Chương trình hành động của UBND tỉnh (thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững) mà lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày trước UBND tỉnh trong phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, nội dung phát triển các sản phẩm chủ lực là chương trình được xếp đầu tiên.
Mặc dù dự thảo Chương trình hành động còn phải điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp và rút gọn lại các chương trình cụ thể cho phù hợp, tuy nhiên đối với chương trình phát triển sản phẩm chủ lực, lãnh đạo UBND tỉnh nhất trí với phương án tham mưu của các ngành. Trong đó đã định hướng cụ thể về phương hướng phát triển, từng loại sản phẩm chủ lực trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Với đặc thù về đất đai, khí hậu, Xứ Lạng có nhiều sản phẩm đặc sản, mang tính cạnh tranh cao. Những định hướng cụ thể và phương hướng để phát triển các sản phẩm đó là điều kiện rất thuận lợi để từng vùng trên địa bàn tỉnh có thể phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của mình. Nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()